Xương khớp háng bị hoại tử điều trị như thế nào ?
Hoại tử xương khớp háng là căn bệnh nghiêm trọng cần được điều tri sớm để tránh nguy cơ tàn phế. Vậy, xương khớp háng bị hoại tử điều trị như thế nào ? Những thông tin sau đây sẽ giúp bạn đọc hiểu thêm về bệnh lý nguy hiểm này và nắm được cách điều trị cơ bản.
Xương khớp háng bị hoại tử – nguyên nhân do đâu?
Hoại tử xương khớp háng còn được gọi là hoại tử vô khuẩn chỏm xương đùi, hoại tử vô mạch chỏm xương đùi. Bệnh hình thành do tổn thương hoại tử các tế bào xương và tủy xương ở chỏm xương đùi do thiếu máu nuôi dưỡng. Vùng khớp háng bị hoại tử gây thưa xương, khuyết xương, gãy xương dưới sụn, xẹp chỏm xương đùi, thoái hóa và dẫn đến tàn phế. Vì tình trạng hoại tử này là do thiếu máu nuôi dưỡng chứ không phải do vi khuẩn nên được gọi là hoại tử vô khuẩn.
Có nhiều nguyên nhân gây hoại tử khớp háng như:
1- Nguyên nhân tự phát:
Chiếm 50% các trường hợp bệnh, thường xuất hiện ở nam giới độ tuổi trung niên nhiều hơn nữ giới.
2- Nguyên nhân thứ phát:
- Do chấn thương ở khớp háng: Trật khớp háng, gãy cổ xương đùi…
- Các yếu tố nguy cơ: Lạm dụng bia rượu, hút thuốc lá nhiều, lạm dụng corticoid liều cao, mắc một số bệnh lý tự miễn mạn tính (lupus ban đỏ, viêm khớp dạng thấp..), rối loạn chuyển hóa (đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa mỡ,…), bệnh hồng cầu hình liềm, … hoặc do đặc thù công việc dẫn đến bệnh khí ép (thường gặp ở công nhân hầm mỏ, thợ lặn…)
Xương khớp háng bị hoại tử có triệu chứng gì?
Hoại tử xương khớp háng có thể xảy ra ở một hoặc hai bên khớp háng. Tuy nhiên, đa số tổn thương thường xuất hiện ở một bên với biểu hiện sau đây:
- Giai đoạn sớm: Ở giai đoạn đầu, bệnh thường không có biểu hiện gì đặc biệt.
- Giai đoạn muộn: Đến giai đoạn muộn, người bệnh thường thấy đau một bên khớp háng bị tổn thương. Cơn đau tăng dần và đau mạnh khi người bệnh đứng lâu, đi lại nhiều và chỉ giảm khi nghỉ ngơi. Hạn chế vận động khớp háng. Bệnh nhân không có các biểu hiện toàn thân (trừ trường hợp nguyên nhân gây bệnh là do một bệnh lý nào đó).
Đọc thêm bài viết Khớp háng phát ra tiếng kêu khi di chuyển có nguy hiểm không ? để phát hiện sớm các triệu chứng bất thường ở khớp háng và điều trị kịp thời.
Xương khớp háng bị hoại tử điều trị như thế nào ?
Tùy theo giai đoạn tiến triển của bệnh và các yếu tố tuổi tác, mức độ thương tổn và những nguy cơ kèm theo mà bác sĩ chuyên khoa sẽ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp. Điều trị hoại tử khớp háng bao gồm các phương pháp sau:
1- Điều trị nội khoa ở giai đoạn sớm
Mục tiêu điều trị ở giai đoạn này là điều trị triệu chứng, giảm đau, làm chậm quá trình tiến triển của bệnh.
- Điều trị bằng thuốc: thuốc chống viêm không steroid, thuốc giảm đau, thuốc giãn cơ, bổ sung canxi…
- Tập vận động khớp: Giúp khớp linh hoạt, dẻo dai, tránh biến chứng co rút khớp.
- Giảm áp lực lên chân đau: Hạn chế vận động, dùng nạng đỡ.
- Kích thích điện: Hỗ trợ tái tạo xương mới.
- Tránh sử dụng bia, rượu, thuốc lá
2- Điều trị ngoại khoa ở giai đoạn muộn
- Khoan giải áp: Áp dụng khi tổn thương hoại tử khớp háng ở độ 1 và độ 2 (theo ARCO).
- Ghép xương: Kết hợp phương pháp khoan giảm áp và ghép xương có cuống hoặc tự do đối với hoại tử khớp háng ở độ 3.
- Thay khớp háng nhân tạo bán phần hoặc toàn phần: Áp dụng trong trường hợp hoại tử khớp háng giai đoạn muộn, kèm theo thoái hóa khớp háng thứ phát, người bệnh mất chức năng vận động khớp háng.
GỢI Ý: Bệnh nhân có thể tìm hiểu thêm bài viết Phẫu thuật thay khớp háng nhân tạo giá bao nhiêu tiền ? để có sự chuẩn bị về kinh tế nếu bắt buộc phải thực hiện phẫu thuật này.
Ngày đăng: 05/06/2017 - Cập nhật lúc: 6:45 AM , 05/12/2017
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!