Tràn dịch khớp gối ở trẻ và những điều cần biết
Tràn dịch khớp gối gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ em. Tìm hiểu những điều cần biết về bệnh tràn dịch khớp gối ở trẻ sẽ giúp các bậc phụ huynh bảo vệ sức khỏe con em mình một cách tốt nhất.
Vì sao trẻ bị tràn dịch khớp gối?
Tràn dịch khớp gối là hiện tượng khớp gối bị sưng nề, đau và hạn chế vận động do lượng dịch trong khớp gối tăng lên quá nhiều. Không chỉ người lớn mới bị tràn dịch khớp gối mà trẻ nhỏ cũng có thể gặp phải tình trạng này do các nguyên nhân sau đây:
1- Trẻ bị chấn thương ở đầu gối
Trẻ nhỏ thường rất hiếu động, thích chơi đùa, chạy nhảy nên rất dễ bị té ngã hoặc chấn thương khi chơi thể thao, tai nạn… Trong khi đó, hệ xương khớp của trẻ đang trong thời kỳ phát triển, còn non yếu nên dễ bị ảnh hưởng. Nếu trẻ bị chấn thương ở khớp gối, tổn hại đến sụn khớp, màng hoạt dịch hay dây chằng có thể dẫn đến tràn dịch khớp gối.
2- Khớp gối bị nhiễm khuẩn
Nhiễm khuẩn khớp gối là nguyên nhân gây tràn dịch khớp gối thường gặp ở cả người lớn và trẻ nhỏ. Tình trạng nhiễm khuẩn khớp xảy ra có thể là do các loại virus, vi khuẩn (vi khuẩn lao); do lây nhiễm theo đường máu, do vết thương gây nhiễm trùng… Khi khớp gối bị nhiễm trùng thường bị sưng viêm và đau, tràn dịch khớp.
Chuẩn đoán bệnh lao khớp háng ở trẻ em
3- Trẻ bị thừa cân, béo phì
Hiện nay, tình trạng thừa cân, béo phì rất phổ biến ở nhiều trẻ em. Do các bậc cha mẹ không kiểm soát chế độ dinh dưỡng của trẻ một cách hợp lý khiến cân nặng của trẻ vượt xa mức cho phép. Thừa cân, béo phì không chỉ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý về tim mạch mà còn khiến hệ xương khớp của trẻ chịu lực ép lớn. Chỉ cần vài tổn thương nhỏ ở khớp gối cũng có khả năng gây tràn dịch khớp và kéo theo một loạt các triệu chứng nghiêm trọng khác.
4- Trẻ mắc một số bệnh lý xương khớp
Trẻ bị mắc một số bệnh lý về khớp như viêm khớp dạng thấp ở khớp gối, viêm bao hoạt dịch khớp gối, viêm khớp nhiễm khuẩn… cũng có thể kèm theo hiện tượng tràn dịch khớp.
Viêm màng bao hoạt dịch khớp háng ở trẻ
Nhận biết tràn dịch khớp gối ở trẻ em
Tương tự như người lớn, tràn dịch khớp gối ở trẻ em cũng xuất hiện các dấu hiệu sau đây:
- Trẻ bị sưng và phù nề ở khớp gối, nếu quan sát hai bên đầu gối sẽ thấy bên đầu gối bị tràn dịch sẽ sưng to hơn bên còn lại.
- Trẻ thấy đau và nhức nhối ở khớp gối khiến trẻ rên la hay than khóc.
- Nếu tràn dịch khớp gối do nhiễm khuẩn có thể khiến trẻ bị sốt.
- Do khớp gối bị sưng đau và phù nề nên gây hạn chế các hoạt động của chân, dịch khớp tích tụ khiến trẻ đi lại khó khăn.
Khi thấy con mình có những triệu chứng trên đây, cha mẹ hãy nhanh chóng đưa trẻ đi khám để điều trị bệnh sớm. Bác sĩ chuyên khoa sẽ thăm khám lâm sàng và kiểm tra thêm bằng một số thủ tục như chụp X-quang, chụp cộng hưởng từ MRI, xét nghiệm máu, xét nghiệm dịch khớp để đưa ra kết luận chính xác. Sau đó, bác sĩ sẽ xem xét và chỉ định phương pháp điều trị phù hợp với tình trạng của trẻ.
Biện pháp phòng ngừa tràn dịch khớp gối ở trẻ em
Tràn dịch khớp gối gây ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ em. Vì vậy, các bậc phụ huynh cần lưu ý những điều sau đây để bảo vệ sức khỏe con em mình một cách tốt nhất:
- Xây dựng cho trẻ một chế độ ăn uống khoa học, lành mạnh, ít chất béo và giàu chất xơ cùng với các vitamin, khoáng chất để ngăn ngừa tình trạng thừa cân, béo phì; đồng thời giúp nâng cao hệ miễn dịch của trẻ đối phó với bệnh tật.
- Những trẻ đang bị béo phì thì cần điều chỉnh lại chế độ dinh dưỡng kết hợp luyện tập để đạt đươc cân nặng phù hợp.
- Tránh cho trẻ vận động mạnh, vận động cường độ cao; cho trẻ tham gia các môn thể thao vừa sức, phù hợp với độ tuổi và sức khỏe của trẻ.
- Cho trẻ khám sức khỏe định kỳ 1-2 lần/năm để ngăn ngừa hoặc phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời.
Ngày đăng: 17/07/2017 - Cập nhật lúc: 4:54 AM , 05/12/2017
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!