2 phương pháp điều trị bệnh thoái hóa khớp mới nhất hiện nay

Bệnh thoái hóa khớp có thể xuất hiện ở mọi đối tượng nhưng nguy cơ cao nhất vẫn là những người tuổi trung niên và cao tuổi, khiến bệnh nhân bị hạn chế vận động và dẫn đến tàn tật. Để hạn chế những biến chứng này, việc áp dụng các phương pháp điều trị bệnh thoái hóa khớp ngay khi mới phát hiện bệnh là rất cần thiết.

Thoái hóa khớp không chỉ là căn bệnh của tuổi già

Thoái hóa khớp (THK) là căn bệnh đau nhức xương khớp, cột sống mạn tính nhưng không có biểu hiện viêm. Bệnh có khả năng ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng và chức năng của xương khớp. Tình trạng tổn thương và mất sụn khớp, xương dưới sụn dần dần kèm theo chất lượng dịch khớp bị suy giảm; cùng với hiện tượng viêm các tổ chức cận khớp, viêm bao hoạt dịch… khiến cấu trúc xương khớp bị phá hủy và biến dạng, hạn chế khả năng vận động.

 

Bệnh thoái hóa khớp

Nguyên nhân chính gây thoái hóa khớp bao gồm:

  • Do quy luật lão hóa tự nhiên. Khi đó, các tế bào sụn khớp trở nên già cỗi và giảm khả năng tổng hợp collagen và mucopolysaccharide. Chất lượng dịch khớp và sụn khớp trở nên kém, giảm đàn hồi và chịu lực, khiến quá trình THK diễn ra nhanh hơn. Bên cạnh đó, không thể không kể đến các yếu tố làm thúc đẩy quá trình thoái hóa. Chủ yếu là sự gia tăng áp lực đè nén lên mặt khớp và đĩa đệm. Sự biến đổi cấu trúc xương khớp như dị dạng bẩm sinh, các chấn thương, viêm u ở xương khớp. Ngoài ra, ảnh hưởng của nội tiết tố, di truyền, rối loạn chuyển hóa trong cơ thể… cũng tác động đến sự hình thành thoái khóa khớp.
  • Không chỉ người cao tuổi mới bị THK mà không ít người trẻ tuổi cũng mắc bệnh này. Do tính chất công việc (nhân viên văn phòng,thợ khuân vác, công nhân may…) hay thói quen ăn uống và sinh hoạt (người mắc bệnh béo phì). Các yếu tố này tác động xấu đến hệ cơ xương khớp, thúc đẩy thoái hóa diễn ra sớm hơn.

Hiện nay, chưa có thuốc điều trị thoái hóa khớp triệt để. Do đó, nếu bạn thường cảm thấy đau âm ỉ tại một khớp nào đó. Đau tăng và kéo dài theo từng đợt khi vận động hoặc thay đổi tư thế. Cứng khớp vào buổi sáng và không thể vận động, biến dạng khớp, teo cơ ở khớp bị tổn thương. Hãy nhanh chóng đi kiểm tra để phát hiện sớm bệnh thoái hóa khớp và điều trị, khả năng khỏi bệnh, ngừa bệnh tái phát sẽ cao hơn. Mới nhất là 2 phương pháp dưới đây.

Cách điều trị bệnh thoái hóa khớp mới nhất

Có nhiều phương pháp đều trị bệnh thoái hóa khớp hiện nay. Được áp dụng phổ biến nhất là điều trị theo Y học hiện đại (YHHĐ) và Y học cổ truyền (YHCT).

1. Điều trị thoái hóa khớp theo Y học hiện đại

Phương pháp điều trị bệnh thoái hóa khớp theo YHHĐ chủ yếu là giảm đau và duy trì chức năng vận động của khớp. Phương pháp này được thực hiện nhờ vào việc dùng thuốc, tập phục hồi chức năng khớp. Đồng thời, hạn chế các động tác cơ giới quá mức ở khớp và cột sống để giảm đau nhức. Từ đó, kiểm soát và hạn chế quá trình thoái hóa khớp.

Chữa thoái hóa khớp theo y học hiện đại
Chữa thoái hóa khớp theo Y học hiện đại

Trong điều trị thoái hóa khớp theo YHHĐ, để chẩn đoán chính xác bệnh thoái hóa khớp, bệnh nhân sẽ được bác sĩ thăm khám lâm sàng và yêu cầu thực hiện một số thủ tục kiểm tra, xét nghiệm. Chẳng hạn như xét nghiệm máu và sinh hóa, chụp X-quang, siêu âm, chụp cộng hưởng từ, nội soi khớp… Dựa vào kết quả kiểm tra, các bác sĩ sẽ đưa ra kết luận chính xác. Từ đó, bác sĩ sẽ lên phác đồ điều trị bằng các loại thuốc chữa thoái hóa khớp thích hợp. Cụ thể:

a. Dùng thuốc chữa thoái hóa khớp

Chủ yếu là các loại thuốc có thác dụng giảm đau nhức ở các khớp do thoái hóa gây ra như:

  • Paracetamol (liều 1g -2g/ ngày) hoặc Paracetamol kết hợp Tramadol, Codein (efferalgan codein).

Loại thuốc này có thể được sử dụng kết hợp dưới dạng uống hoặc tiêm, bôi tại chỗ. Chủ yếu dùng trong các trường hơp không đáp ứng với thuốc giảm đau.

  • Thuốc bôi ngoài da: Dùng Voltaren Emugel bôi tại khớp đau 2-3 lần/ ngày.
  • Tiêm corticoid nội khớp: Sử dụng Hydrocortison acetat, Methylprednisolon, Acid hyaluronic (AH)… Trong điều kiện vô khuẩn tuyệt đối dưới sự chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.

b. Áp dụng vật lý liệu pháp

Tập các bài thể dục dành riêng cho người bị thoái hóa khớp, sử dụng các dụng cụ chỉnh hình. Kết hợp điều trị điều trị bằng nước khoáng, bùn nóng, hồng ngoại, sóng ngắn, laser, siêu âm, xoa bóp, ấn huyệt, tập vận động thụ động… Những liệu pháp này có tác phục hồi phục khớp thoái hóa và hạn chế nguy cơ mất vận động.

c. Điều trị ngoại khoa bằng phẫu thuật

Trong những trường hợp hạn chế vận động, khe khớp hẹp nặng, khớp bị biến dạng hoặc các cách điều trị thoái hóa khớp nội khoa với thuốc không có hiệu quả thì điều trị ngoại khoa sẽ được bác sĩ xem xét. Các phương pháp này bao gồm nội soi khớp, đục xương chỉnh trục hoặc thay một phần hoặc toàn bộ khớp gối.

Cách điều trị bệnh thoái hóa khớp bằng ngoại khoa
Phẫu thuật trị bệnh thoái hóa khớp
  • Điều trị thoái hóa khớp bằng nội soi khớpBao gồm các thủ thuật cắt lọc, bào, rửa khớp, khoan kích thích tái tạo xương, cấy ghép tế bào sụn. Mục đích của phương pháp này là loại bỏ các yếu tố gây viêm và các dị vật trong khớp như mảnh sụn khớp bị bong, các thành phần bị canxi hóa. Đồng thời cải tạo lại bề mặt sụn, lấy đi phần sụn chêm bị hư hại và cấy ghép sụn mới vào bề mặt sụn tổn thương thoái hóa.

>> Bạn quan tâm: Chi phí thay khớp gối nhân tạo bao nhiêu tiền ?

  • Phẫu thuật thay khớp nhân tạo: Khi các cách chữa thoái hóa khớp trên không thể mang đến hiệu quả, bệnh tiến triển làm mất dần khả năng vận động của bệnh nhân thì phẫu thuật thay khớp nhân tạo bán phần hoặc toàn phần cho khớp gối bị thoái hóa hư hại nặng nề là giải pháp tối ưu nhất.

Lưu ý:

Điều trị thoái hóa khớp theo y học hiện đại bằng nội khoa, giảm đau nhanh nhưng nếu sử dụng thuốc quá nhiều có thể dẫn tới một số bệnh lý về dạ dày, người bệnh cần tuân thủ theo đơn bác sĩ để sử dụng, không tự ý mua thuốc bên ngoài. Và nó cũng không phải là phương pháp lâu dài mà người bệnh nên áp dụng.

2. Cách chữa thoái hóa khớp theo Y học cổ truyền

Trong Y học cổ truyền, thoái hóa khớp thuộc phạm vi chứng Tý và chứng Tích Bối thống. Bệnh hình thành là do sức đề kháng thấp khiến Phong – Hàn – Thấp xâm nhập vào cơ thể. Chúng đi vào kinh lạc – cơ – khớp làm khí huyết tắc nghẽn. Từ đó gây sưng đau, tê mỏi ở các khớp xương.

Phương pháp chữa thoái hóa khớp theo YHCT là lưu thông khí huyết ở cân xương; đưa tà khí là phong – hàn – thấp – nhiệt ra ngoài cơ thể. Đồng thời bồi bổ khí huyết, bồi bổ can thận, cường kiện gân xương để giảm đau và đề phòng bệnh thoái hóa khớp tái phát.

Cách chữa bệnh thoái khóa khớp theo y học cổ truyền
Trị bệnh thoái hóa khớp theo Y học cổ truyền

YHCT sử dụng bài thuốc chữa thoái hóa khớp PT5; kết hợp với các liệu pháp hỗ trợ như sau:

a. Bài thuốc chữa bệnh thoái hóa khớp

Thành phần và công dụng:

Lá lốt 10g, thiên niên kiện 10g, sài đất 10g, rễ cây mắc cỡ (trinh nữ) 12g, hà thủ ô 12g, sinh địa 12g, cỏ xước 16g, thổ phục linh 16g, quế chi 8g.

  • Lá lốt: Có tác dụng trừ phong thấp hàn, làm ấm cơ thể, hạ khí, giảm đau; trị đau nhức xương khớp, tê lạnh chân tay.
  • Thiên niên kiện: Tác dụng trừ phong thấp, mạnh gân xương; chữa đau mỏi xương khớp, co quắp tê bại ở người già.
  • Sài đất: Có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, giảm đau. Sài đất được dùng để hỗ trợ cải thiện các triệu chứng bệnh xương khớp.
  • Cây mắc cỡ (cây trinh nữ, xấu hổ): Tác dụng an thần, trấn tĩnh, hạ áp, tiêu ích, giảm đau, chống viêm. Thường dùng chữa đau lưng, đau khớp, đau nhức gân xương.
  • Hà thủ ô: Tác dụng bổ máu, điều hòa khí huyết, nhuận tràng, bồi bổ can thận và làm mạnh gân xương. Thường dùng chữa các chứng thiếu máu, đau lưng, mỏi gối, xương khớp tê yếu, suy nhược thần kinh.
  • Sinh địa (cây đại hoàng): Có tác dụng thanh nhiệt, bổ máu, bổ can thận, chống viêm, tăng sinh dịch trong cơ thể. Thường được dùng chữa bệnh thiếu máu, cơ thể suy nhược, hỗ trợ điều trị bệnh thoái hóa khớp.
Phương pháp điều trị bệnh thoái hóa khớp phổ biến nhất 2017 5
Những cây thuốc quý trị bệnh thoái hóa khớp
  • Cỏ xước: Tác dụng thanh nhiệt, lưu thông khí huyết, bổ gan thận, mạnh gân cốt, tiêu viêm. Đặc biệt là khả năng chống viêm mạnh ở cả giai đoạn bệnh cấp và mạn tính. Vì vậy, cỏ xước thường dùng chữa các chứng bệnh về khớp như viêm khớp, thoái hóa khớp.
  • Thổ phục linh: Tác dụng thanh nhiệt, giải độc, trừ thấp, mạnh gân cốt. Dân gian sử dụng chữa chứng phong thấp, đau các khớp xương.
  • Quế chi: Có tác dụng ôn kinh, thông mạch; thường dùng để chữa đau nhức ở khớp vai, lưng, tay, chân.

Cách thực hiện:

Mỗi ngày sắc uống 1 thang thuốc điều trị thoái hóa khớp này. Mỗi thang sắc từ 2-3 lần.

 b. Liệu pháp hỗ trợ

  • Xoa bóp: Xoa bóp các khớp đau để tăng tuần hoàn và dinh dưỡng; đồng thời giảm đau và chống sưng viêm, chống co cứng khớp.
  • Châm cứu: Áp dụng các thủ thuật châm cứu như châm bổ, ôn châm, thường châm hay châm tả, cứu tả, thủy châm tại các huyệt có liên quan với khớp đau.
  • Sinh hoạt: Kết hợp nghỉ ngơi và hạn chế vận động khớp bị tổn thương. Đeo băng thun khớp để bảo vệ khớp. Hoặc dùng nạn chống trong trường hợp tổn thương các khớp ở chi dưới…
  • Tập luyện: Tập vật lý trị liệu, tắm nước khoáng, đắp bùn, nhiệt trị liệu, điện trị liệu… Thực hiện theo hướng dẫn của thầy thuốc/chuyên gia để giúp giảm đau, phục hồi chức năng. Mục đích là duy trì vận động khớp, ngăn ngừa biến dạng khớp.

Cách điều trị bệnh thoái hóa khớp theo Y học cổ truyền là phương pháp chữa trị an toàn, chi phí điều trị cũng khá thấp giúp bệnh nhân và gia đình giảm bớt phần nào gánh nặng. Tuy nhiên, các bài thuốc này có thời gian điều trị cũng khá lâu do tác dụng chậm hơn, nên người bệnh cần kiên trì trong quá trình sử dụng.

LỜI KHUYÊN:

  • Tùy thuộc vào tình trạng bệnh mà lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp. Bệnh nặng hãy giải quyết trước bằng tây y, sau đó tìm đến y học cổ truyền để điều trị lâu dài ( vừa giảm thiểu tác hại của thuốc tây, vừa giảm chi phí).
  • Cần siêng năng vận động thể dục thể thao, xây dựng lối sống lành mạnh và có một chế độ ăn uống phù hợp với người bị thoái hóa khớp mới mau khỏi bệnh.
  • Người bệnh tuyệt đối không được tự ý mua thuốc điều trị khi chưa có sự chỉ định của bác sĩ chuyên khoa để không gặp phải những sai lầm đáng tiếc.

Bạn nên biết:

Video về bệnh thoái hóa khớp:

Ngày đăng: 05/12/2016 - Cập nhật lúc: 7:52 AM , 08/10/2019

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Tư vấn
Bạn cần tư vấn?