Thoái hóa khớp cùng chậu : Nguyên nhân và cách điều trị

Thoái hóa khớp cùng chậu thường gây đau nhức ở phần dưới cột sống thắt lưng nên hay bị nhầm lẫn với các bệnh lý về cột sống. Tìm hiểu các nguyên nhân gây bệnh và cách điều trị bệnh này sẽ giúp bạn nhận biết chính xác và chữa trị bệnh kịp thời, tránh biến chứng dính khớp, hạn chế vận động.

Khớp cùng chậu gồm hai khớp nằm ở phía sau, giữa hai mông, là nơi tiếp giáp với xương cùng cụt (dưới cột sống thắt lưng) và phía sau của hai xương cánh chậu. Giống với các khớp khác trong cơ thể, khớp cùng chậu cũng có lớp sụn bao phủ đầu xương giúp xương cùng và xương cánh chậu di chuyển dễ dàng, giảm sự ma sát và tỳ đè lên mặt xương. Tuy nhiên, nếu lớp sụn khớp cùng chậu này bị tổn thương sẽ dẫn đến thoái hóa khớp cùng chậu do hủy hoại sụn khớp kéo dài.

Nguyên nhân gây thoái hóa khớp cùng chậu

Thoái hóa khớp cùng chậu là tình trạng tổn thương sụn khớp cùng chậu do chấn thương hay do sụn khớp bị ăn mòn theo thời gian khiến lớp sụn ngày càng bị phá hủy và để lộ ra các xương dưới sụn. Khi đó, các đầu xương (xương cùng và xương cánh chậu) ma sát vào nhau khi vận động và gây đau. Có nhiều nguyên nhân gây thoái hóa khớp cùng chậu được các chuyên gia nhận định, bao gồm:

1 – Viêm khớp cùng chậu

Viêm khớp cùng chậu còn gọi là hội chứng khớp cùng chậu, thường xảy ra sau khi bệnh nhân bị viêm nhiễm ở đại trực tràng hoặc viêm nhiễm đường tiết niệu sinh dục, đặc biệt là ở phụ nữ đang mang thai, phụ nữ sau sinh. Vi khuẩn khú trú ở vùng sinh dục tiết niệu lội ngược dòng lây lan đến khớp cùng chậu và gây viêm khớp cùng chậu. Nếu không được điều trị dứt điểm, viêm khớp cùng chậu có thể tái phát nhiều lần và tăng nguy cơ thoái hóa khớp cùng chậu.

2 – Bệnh lý ở chi dưới

Những người mắc một số bệnh lý ở khớp háng, khớp gối, khớp cổ chân, bàn chân… cũng có thể mắc hội chứng khớp cùng chậu, thậm chí là thoái hóa khớp cùng chậu. Nguyên nhân là do tổn thương ở các khớp này khiến người bệnh có dáng đi bất thường để thích nghi giảm đau. Điều này vô tình làm tăng áp lực lên khớp cùng chậu và cột sống thắt lưng, lâu dài sẽ gây viêm hoặc thoái hóa khớp.

3 – Bệnh lý toàn thân

Một số bệnh lý toàn thân ảnh hưởng đến khớp như viêm đa khớp dạng thấp, viêm khớp vẩy nến, viêm cột sống dính khớp, bệnh gout… có thể gây viêm khớp cùng chậu và thậm chí là thoái hóa khớp này.

4 – Mang thai

Phụ nữ mang thai thường phải đối mặt với nguy cơ mắc nhiều căn bệnh khớp, trong đó có các bệnh lý về khớp cùng chậu. Khi mang thai, nội tiết tố trong cơ thể người phụ nữ thay đổi khiến hệ thống dây chằng giãn để cho các khớp linh động, giúp khung chậu giãn nở phù hợp với kích thước thai nhi. Tuy nhiên, dây chằng bị chùng giãn cũng khiến khớp di động nhiều hơn, đồng thời sự thay đổi về dáng đi do mang thai và sự tăng trọng lượng cơ thể khiến khớp cùng chậu phải chịu áp lực lớn, dễ bị tổn thương sụn khớp.

Cách điều trị thoái hóa khớp cùng chậu

Thoái hóa khớp cùng chậu thường gây đau ở vùng cột sống thắt lưng cùng, giữa hai mông, vùng chậu hông kèm theo teo cơ mông nên khá dễ nhầm lẫn với các bệnh lý đau thắt lưng, thoái hóa cột sống thắt lưng, đau thần kinh tọa, loãng xương, thoát vị đĩa đệm, trượt đốt sống… Để chẩn đoán chính xác, các bác sĩ sẽ dựa trên những triệu chứng lâm sàng của bệnh nhân và cho người bệnh thực hiện một số thủ tục kiểm tra như chụp X-quang khung chậu, CT scan, MRI… nhằm đưa ra kết luận cuối cùng.

Phác đồ điều trị thoái hóa khớp cùng chậu phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh và các giai đoạn của bệnh. Thông thường, ở giai đoạn đầu, bệnh nhân được cho sử dụng thuốc chống viêm giảm đau, tiêm corticoid vào khớp cùng chậu… để cải thiện các triệu chứng đau nhức. Đồng thời kết hợp vận động và tập các bài vật lý trị liệu phù hợp theo hướng dẫn của bác sĩ điều trị để giúp giảm đau, căng các dây chằng, tập giữ vững khớp cùng chậu tránh khớp bị thương tổn thêm và duy trì các chức năng vận động của cột sống, tránh các tư thế xấu sau này.

Trong trường hợp nặng, nếu việc điều trị bằng thuốc kết hợp vật lý trị liệu mà bệnh vẫn không giảm, ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày, bác sĩ sẽ xem xét và chỉ định điều trị ngoại khoa cho bệnh nhân.

Sau khi điều trị thoái hóa khớp cùng chậu, bệnh nhân cần xây dựng lối sống khoa học và lành mạnh để ngăn ngừa bệnh tái phát. Chú ý kiểm soát trọng lượng cơ thể ở mức hợp lý, tránh tăng tải trọng bất thường lên một khớp cùng chậu, chú ý các tư thế sinh hoạt và lao động phù hợp (không ngồi nghiêng một bên, đứng trụ một chân, xoay người đột ngột, đi giày cao gót)… để hạn chế hủy sụn khớp cùng chậu. Với những người mắc các bệnh viêm nhiễm đại trực tràng hay viêm đường tiết niệu – sinh dục thì nên điều trị dứt điểm để tránh viêm nhiễm lây lan và gây tổn thương khớp cùng chậu.

BẠN CÓ THỂ THAM KHẢO CÁC BÀI VIẾT LIÊN QUAN:

Ngày đăng: 13/11/2017 - Cập nhật lúc: 9:10 AM , 30/11/2017

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Tư vấn
Bạn cần tư vấn?