Thoái hóa cột sống ở trẻ em và những điều cần biết
Nhiều người vẫn luôn quan niệm rằng thoái hóa cột sống là căn bệnh “người già”. Tuy nhiên, hiện nay suy nghĩ này cần phải được xem xét lại vì có không ít trẻ em cũng mắc bệnh thoái hóa cột sống ở độ tuổi ít ai ngờ. Tìm hiểu về bệnh thoái hóa cột sống ở trẻ em để bảo vệ con cái của mình thoát khỏi bệnh này là điều cần làm của các bậc cha mẹ.
Nguyên nhân nào gây thoái hóa cột sống ở trẻ em?
Trong nhiều tài liệu, thoái hóa cột sống ở trẻ em còn được gọi là bệnh Scheuermann hay thoái hóa xương sụn cột sống, thường xảy ra ở trẻ từ 13 – 16 tuổi. Nguyên nhân gây thoái hóa xương sụn cột sống ở trẻ em vẫn chưa được làm rõ nhưng nhiều giả thuyết cho rằng bệnh do tổn thương nguyên phát từ sự rối loạn tại đĩa sụn phát triển thành xương trưởng thành, khiến đốt sống bị biến dạng (đốt sống ngực thấp, đốt sống lưng cao).
Thông thường, các yếu tố bệnh sinh sẽ kết hợp cùng với các tác nhân cơ học, chuyển hóa và nội tiết gây ra bệnh thoái hóa cột sống ở trẻ. Yếu tố vi chấn thương lặp đi lặp lại, vận động quá sức hay tham gia các hoạt động thể dục thể thao không phù hợp khi hệ xương của trẻ chưa trưởng thành cũng có thể khiến đầu xương, đĩa sụn thiếu máu nuôi dưỡng, tổn thương trung tâm cốt hóa và dẫn đến xương phát triển bất thường.
Dấu hiệu nhận biết trẻ bị thoái hóa sốt sống
Thoái hóa cột sống ở trẻ em ít khi được phát hiện sớm và thường được phát hiện một cách tình cờ bởi người thân hoặc thấy cô giáo. Các triệu chứng điển hình khi trẻ bị thoái hóa xương sụn cột sống bao gồm:
- Đau âm ỉ ở đốt sống ngực, cảm tháy tức nặng, không liên tục.
- Đau có tính chất cơ học, tăng khi hoạt động quá sức, vận động quá mức và giảm khi nghỉ ngơi.
- Trẻ bị gù, vẹo cột sống ở đốt sống ngực, đốt sống thắt lưng.
- Co cơ cạnh cột sống ngay trên và dưới vị trí gù.
- Một số trẻ bị hạn chế vận động rõ rệt.
- Hiếm gặp các triệu chứng chèn ép dây thần kinh
Nếu gia đình đưa trẻ đi kiểm tra cụ thể, các bác sĩ cho trẻ chụp Xquang sẽ phát hiện thấy hình ảnh gù cột sống, mất tư thế ưỡn như cột sống bình thường, hẹp khe khớp giữa các đốt sống, thân đốt sống hình chêm và bị tăng đường kính ở phía sau, canxi hóa sụn khớp…
Phòng ngừa và điều trị thoái hóa cột sống ở trẻ em
Phòng ngừa thoái hóa cột sống ở trẻ em
Hiện nay, có rất nhiều cha mẹ cho con mình sử dụng các thiết bị điện tử như smartphone, máy tính bảng… Tuy nhiên, thói quen này có thể đe dọa nguy hiểm đến sức khỏe con trẻ mà các bậc phụ huynh không ngờ đến. Ở trẻ nhỏ, hệ xương khớp đang trong giai đoạn phát triển, nếu trẻ sử dụng smartphone, máy tính bảng quá nhiều trong thời gian dài có khả năng bị thoái hóa cột sống và kéo theo những hệ lụy về xương khớp như thoái hóa đốt sống cổ, thoát vị đĩa đệm cổ, co thắt dây chằng, xương khớp phát triển dị dạng, vẹo cột sống cổ, vẹo cột sống thắt lưng, hạn chế phát triển chiều cao…
Để phòng tránh tình trạng này, bố mẹ cần kiểm soát thời gian sử dụng smartphone, máy tính bảng của trẻ; hạn chế cho trẻ sử dụng các thiết bị điện tử này hoặc sử dụng với thời gian hợp lý kết hợp tư thế ngồi xem phù hợp…Với những trẻ dưới 4 tuổi, cha mẹ tuyệt đối không cho trẻ sử dụng smartphone, máy tính bảng để tránh những tác hại lên hệ xương khớp và thị lực.
BẠN CÓ THỂ THAM KHẢO:
Điều trị thoái hóa cột sống ở trẻ em
Điều trị thoái hóa cột sống ở trẻ em bao gồm phương pháp bảo tồn nội khoa và chỉnh hình ngoại khoa. Điều trị theo phương pháp nội khoa được tiến hành bằng việc sử dụng thuốc giảm đau (paracetamol, nhóm chống viêm giảm đau không steroid như aspirin, meloxicam, diclofenac…) kết hợp phục hồi chức năng để cải thiện các triệu chứng của bệnh và ngăn ngừa các biến dạng ở cột sống. Với phương pháp còn lại, tùy theo tình trạng bệnh nhân và dựa trên một số yếu tố như phương pháp bảo tồn nội khoa không mang đến hiệu quả, bệnh nhân có hiểu hiện gù mất thẩm mỹ, mức độ biến dạng cột sống… mà bác sĩ có thể chỉ định điiều trị ngoại khoa bằng phẫu thuật.
Ngày đăng: 13/03/2017 - Cập nhật lúc: 7:31 AM , 05/12/2017
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!