Tại sao phụ nữ dễ bị thoái hóa khớp gối ?
Khớp gối là một trong những khớp lớn có vai trò nâng đỡ cơ thể và thực hiện vận động. Chính vì vậy, khớp gối có nguy cơ bị thoái hóa rất cao. Theo các thống kê cho thấy, so với nam giới, phụ nữ dễ bị thoái hóa khớp gối hơn bởi nhiều nguyên nhân khác quan và chủ quan.
Tại sao phụ nữ dễ bị thoái hóa khớp gối ?
Thoái hóa khớp gối là tình trạng lớp sụn bọc hai đầu xương của khớp gối bị bào mòn, suy giảm dịch khớp dẫn đến lệch trục, biến dạng khớp, phá hủy khớp… Tuổi tác cao và giới tính là một trong những yếu tố thúc đẩy sự hình thành bệnh thoái hóa khớp gối. Trong đó, phụ nữ từ tuổi trung niên trở nên là đối tượng có nguy cơ bị bệnh thoái hóa khớp gối cao hơn đàn ông.
Vậy, tại sao phụ nữ dễ bị thoái hóa khớp gối ? Nguyên nhân khiến phụ nữ dễ bị thoái hóa khớp gối là do:
1- Cơ địa/giới tính:
Ở người phụ nữ, tốc độ thoái hóa khớp nhanh hơn đàn ông. Từ tuổi 30 trở đi, tốc độ thoái hóa xương khớp ở phụ nữ tăng lên, lượng xương giảm từ 0,25 – 1% mỗi năm. Đặc biệt, ở thời kỳ tiền mãn kinh và mãn kinh (khoảng 40 – 50 tuổi), nội tiết tố nữ estrogen giảm mạnh khiến tốc độ thoái hóa xương lại tăng cao hơn. Xương giảm 1 – 5%/năm với dấu hiệu xốp xương, loãng xương bên cạnh các biểu hiện kinh nguyệt không đều, bốc hỏa, khó ngủ…
2- Do mang thai và sinh con:
Mang thai và sinh con khiến sức khỏe người phụ nữ bị ảnh hưởng ít nhiều. Trong quá trình mang thai và sinh con, việc hấp thụ canxi bị cản trở, cơ thể người mẹ bị thiếu hụt canxi trầm trọng dẫn đến cấu trúc xương trở nên yếu hơn. Chưa kể, người mẹ phải chuyển hóa một phần dinh dưỡng cho thai nhi (bao gồm canxi và các khoáng chất khác) nên xương khớp càng bị suy yếu. Các mẹ có thể gặp phải những cơn đau lưng, đau khớp thường xuyên. Sau khi sinh con, nếu không được ăn uống và chăm sóc tốt, hệ xương khớp của các mẹ càng yếu và dễ mắc nhiều bệnh.
Ngoài nguy cơ bị thoái hóa khớp gối, khi mang thai, nhiều chị em cũng dễ bị đau các khớp nhỏ ở tay, chân. Tìm hiểu nguyên nhân và cách điều trị đau khớp cổ tay, ngón tay sau sinh cho bà bầu sẽ giúp các mẹ giảm thiểu các triệu chứng của bệnh.
3- Do đặc thù công việc
Phụ nữ thường xuyên phải lo toan việc nhà (nấu cơm, rửa bát, quét nhà, lau nhà, giặt giũ, chăm con…) nên các khớp phải hoạt động thường xuyên. Mặc dù chỉ là những công việc nhẹ nhàng nhưng với tần suất liên tục và kéo dài cũng gây ảnh hưởng đến các khớp. Bên cạnh đó, phụ nữ cũng ít tập luyện thể thao nên độ linh hoạt và dẻo dai của khớp kém. Cộng với quá trình lão hóa cơ thể theo thời gian sẽ khiến sự tổng hợp các tế bào xương suy giảm, cấu trúc xương yếu, lớp sụn mỏng và giảm đàn hồi… xuất hiện các biểu hiện thoái hóa khớp, đặc biệt là khớp gối.
4- Do dây chằng khớp gối yếu
Cấu tạo dây chằng trước khớp gối của phụ nữ yếu hơn nam giới nên là một trong những lý do vì sao họ thường dễ mắc bệnh thoái hóa khớp hơn phái mạnh. Với cấu tạo dây chằng khớp gối như vậy, cộng với đặc thù công việc nhà khiến họ phải đứng lên ngồi xuống, ngồi xổm nhiều lần trong ngày làm cho sụn khớp nhanh bị mòn và dây chằng dễ bị chùng giãn. Chưa kể, cấu trúc xương của phụ nữ thường mỏng và yếu hơn nam giới nên khi vận động mạnh hoặc chấn thương thì khớp gối cũng dễ bị tổn thương, lâu ngày dẫn đến thoái hóa.
Phụ nữ nên làm gì để phòng ngừa thoái hóa khớp gối ?
Các chị em phụ nữ thường có ý thức giữ gìn sức khỏe hơn cánh đàn ông. Điều này rất tốt nhưng chưa đủ, nữ giới cần chú ý những vấn đề sau đây để phòng ngừa thoái hóa khớp gối:
1- Chế độ dinh dưỡng
Bổ sung đầy đủ các dưỡng chất cần thiết cho cơ thể. Đặc biệt là nhóm acid béo Omega – 3 từ các loại cá như cá hồi, cá thu, cá ngừ, cá trích… và các loại hạt, ngũ cốc, dầu thực vật. Ăn nhiều thực phẩm giàu vitamin A, C, D, E, K và các khoáng chất canxi, magie, sắt, kẽm, kali… để nuôi dưỡng xương khớp chắc khỏe. Đồng thời, đẩy lùi các dấu hiệu thoái hóa khớp.
2- Chế độ luyện tập
Tập các bài vận động gân cơ, các bài tập tăng sức cho bắp cơ đùi và đầu gối, không bắt khớp phải chịu lực như tập thái cực quyền, đạp xe đạp tại chỗ, đi bộ, tập yoga, bơi lội… Trước khi tập luyện nên khởi động kỹ để làm nóng cơ thể. Tập vừa sức, phù hợp với thể trạng, không tập quá sức và quá mức. Tránh các môn thể thao có khả năng làm tổn thương khớp gối.
3- Duy trì cân nặng phù hợp
Với những chị em nào bị thừa cân, béo phì thì giảm cân là điều cần thiết để giảm áp lực lên khớp gối. Chị em nên kết hợp chế độ dinh dưỡng và tập luyện để duy trì cân nặng phù hợp, giúp ngăn ngừa nguy cơ bị thoái hóa khớp gối và các khớp xương khác.
Ngày đăng: 14/06/2017 - Cập nhật lúc: 6:38 AM , 05/03/2018
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!