Nguyên nhân thoái hóa sụn khớp gối và cách phòng ngừa điều trị
Chấn thương, lão hóa, viêm xương sụn bóc tách là những nguyên nhân hàng đầu gây nên bệnh thoái hóa sụn khớp gối. Để điều trị căn bệnh này, bệnh nhân sẽ được dùng thuốc trong giai đoạn nhẹ, trường hợp nặng hơn thì phải nhờ đến phẫu thuật và kết hợp với tập luyện cũng như ăn uống đúng cách để phòng ngừa bệnh tái phát.
Mô sụn là một trong những thành phần cấu tạo nên sụn khớp gối cũng như các khớp khác trong cơ thể. Nó có tính đàn hồi rất tốt và đóng vai trò như một lớp bảo vệ giúp các đầu xương tránh được sự chấn động, cọ sát khi chúng ta cử động khớp gối . Đồng thời sụn cũng giúp làm trơn bề mặt khớp gối và phân tán lực tác động lên đầu gối từ bên ngoài, từ đó tránh được sự tổn thương cho khớp gối.
Mặc dù rất quan trọng song sụn khớp gối lại không được mạch máu nuôi dưỡng trực tiếp mà chỉ phát triển bằng cách thẩm thấu các chất dinh dưỡng nằm trong các tổ chức như phần xương dưới sụn, dịch khớp , màng hoạt dịch. Do vậy sụn rất dễ bị tổn thương và thoái hóa một cách âm thầm mà có rất ít các tín hiệu báo trước.
Nguyên nhân thoái hóa sụn khớp gối
Bệnh thoái hóa sụn khớp gối bắt nguồn từ những lý do sau:
- Do mắc bệnh lý viêm xương sụn bóc tách:
Đây là một bệnh ký gây tổn thương phần xương nằm dưới sụn. Khi tình trạng viêm và tổn thương lan rộng nó có thể khiến cho lớp sụn bị bóc tách ra ngoài và không được nuôi dưỡng nữa. Từ đó dẫn đến chứng thoái hóa sụn khớp.
- Chấn thương:
Việc lao động quá sức, vận động không đúng cách, té xe hoặc tham gia các môn thể thao không phù hợp có thể khiến cho sụn khớp bị tổn thương. Đặc biệt là khi chấn thương này không được điều trị ngay hoặc những chấn thương nhỏ lặp đi lặp lại nhiều lần khiến cho sụn khớp không thể phục hồi tái tạo dẫn đến thoái hóa.
- Thiếu máu khu trú ở xương:
Như đã thông tin ở trên sụn khớp có khả năng phát triển là nhờ vào việc thẩm thấu các chất dinh dưỡng có trong xương. Chính vì vậy việc lớp xương nằm phía dưới sụn không được cung cấp đẩy đủ máu cũng sẽ gián tiếp làm ảnh hưởng đến sụn khớp.
- Do sự lão hóa:
Khi chúng ta còn nhỏ, các tế bào sụn sẽ liên tục được sản sinh và tái tạo cùng với sự phát triển của cơ thể. Nhưng khi bắt đầu bước qua ngưỡng tuổi ngoài 30, lớp sụn không còn khả năng phát triển nữa mà ngược lại nếu chúng ta không biết cách chăm sóc và bảo vệ sụn khớp thì nó sẽ bắt đầu bị thoái hóa giống như các cơ quan khác trong cơ thể. Càng lớn tuổi chất lượng sụn ngày càng kém dần và khả năng đàn hồi cũng như chịu lực giảm sút hẳn.
Ngoài những nguyên nhân thoái hóa sụn khớp gối kể trên thì các yếu tố như di truyền, thay đổi nội tiết tố, viêm khớp gối, thoái hóa khớp gối , bệnh gút, béo phì…cũng làm tăng nguy cơ mắc thoái hóa sụn khớp gối.
Cách điều trị bệnh thoái hóa sụn khớp gối
Phần lớn các trường hợp khi phát hiện ra bệnh đều đã ở giai đoạn muộn bởi tình trạng thoái hóa sụn khớp gối tiến triển âm thầm và không gây ra nhiều triệu chứng gì rõ ràng ở giai đoạn đầu. Trong giai đoạn phát triển mạnh người bệnh mới có cảm giác bị đau đầu gối, đi lại cà nhắc. Đôi khi những mảnh sụn khớp gối bong hẳn ra gây nên cảm giác có vật cản trong đầu gối và điều đó cũng làm cản trở khả năng co duỗi khớp gối.
Hiện nay để điều trị bệnh thoái hóa sụn khớp gối, y học hiện đại có các phương pháp chữa trị như sau:
1. Phương pháp điều trị bảo tồn
Điều trị bảo tồn là phương pháp chữa bệnh không đụng đến dao kéo được áp dụng cho các trường hợp bị bệnh ở mức độ nhẹ đến trung bình. Bệnh nhân chủ yếu được dùng một số thuốc như thuốc giảm đau, thuốc kháng viêm theo đơn của bác sĩ.
Cùng với việc uống thuốc, người bệnh được khuyên nên tích cực tập luyện tại nhà bằng các môn thể thao nhẹ nhàng như đi bộ, yoga, tập thể dục dưỡng sinh..Việc luyện tập sẽ giúp làm tăng khả năng tưới máu đến nuôi dưỡng khớp gối cũng như sụn khớp, đồng thời tăng sức mạnh cho các cơ ở đầu gối.
Nếu dư thừa cân nặng bệnh nhân sẽ được bác sĩ hướng dẫn cách giảm cân một cách khoa học để đưa cơ thể về mức tiêu chuẩn nhằm tránh gia tăng sức nặng chèn ép lên khớp gối.
Nếu tình trạng thoái hóa sụn khớp gối xảy ra ở trẻ em thì bé có thể phải mang nẹp gối trong một thời gian. Cách làm này đặc biệt cần thiết đối với những bé hiếu động.
Nghỉ ngơi cũng là việc làm cần thiết khi tình trạng thoái hóa sụn khớp gây đau đầu gối. Nếu người bệnh cố gắng vận động mạnh, đi lại nhiều thì càng khiến cho lớp sụn ở đầu gối bị tổn thương nhiều hơn, từ đó đẩy nhanh tốc độ thoái hóa sụn khớp gối.
2. Cách chữa thoái hóa sụn khớp gối bằng phẫu thuật
Tùy theo mức độ thoái hóa của sụn khớp mà bác sĩ sẽ chỉ định một trong các phương pháp phẫu thuật thích hợp nằm trong danh sách dưới đây:
- Phẫu thuật lấy bỏ mảnh sụn
Thông qua nội soi bác sĩ sẽ can thiệp phá vỡ những mảnh sụn đã bĩ bong tróc để lấy nó ra. Hoặc nếu sụn khớp đã bong sẵn trước đó thì chỉ việc gặp bỏ nó ra ngoài. Phương pháp phẫu thuật nội soi an toàn, ít gây chảy máu, vết mổ nhỏ nên nhanh lành. Tuy nhiên nó có thể để lại lỗ hổng trong xương làm tăng nguy cơ hư hỏng và tiếp tục thoái hóa sụn khớp sau này.
- Điều trị thoái hóa sụn khớp bằng phương pháp khoăn kích thích
Phương pháp phẫu thuật này được tiến hành bằng cách khoan những lỗ nhỏ xuyên qua mảnh sụn bị thoái hóa cho tới tận xương. Mục đích là để gây chảy máu nhằm cung cấp chất dinh dưỡng cho phần sụn. Phương pháp này thích hợp cho những trẻ bị bệnh đang trong giai đoạn phát triển mạnh về xương khớp hoặc đã được điều trị nội khoa nhưng thất bại.
- Vít cố định
Tức là dùng vít để cố định lại vị trí sụn khớp gối bị bong cho dính liền lại với xương như trạng thái bình thường. Ca phẫu thuật có thành công hay không còn phải nhờ vào khả năng liền xương sau đó.
- Phương pháp ghép tế bào sụn
Cách chữa thoái hóa sụn khớp này vẫn còn trong giai đoạn thực nghiệm nên chưa được ứng dụng rộng rãi. Tế bào sụn của bệnh nhân sẽ được lấy ra ngoài nuôi cấy và sau đó đặt vào khớp gối để thay thế cho phần sụn khớp đã bị thoái hóa và bong tróc ra ngoài.
Giải pháp phòng ngừa bệnh thoái hóa sụn khớp gối
Bệnh thoái hóa sụn khớp tuy dễ gặp nhưng chúng ta hoàn toàn có thể chủ động phòng ngừa được căn bệnh này bằng cách:
- Siêng năng luyện tập thể dục mỗi ngày nhằm tăng cường sức khỏe cho xương khớp và tăng khả năng tuần hoàn máu đến nuôi dưỡng sụn khớp tốt hơn.
- Ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng. Nên ưu tiên các thực phẩm giúp bổ sung chất nhờn và tăng khả năng tạo sụn cho khớp gối hoạt động trơn tru như cá và dầu cá, sữa, xương sụn, rau củ quả tươi.
- Có chế độ dinh dưỡng hợp lý, tránh để dư thừa cân nặng là tăng sức đè nén lên sụn khớp gối
- Tránh mang vác vật nặng hoặc làm việc quá sức.
Trên đây là những nguyên nhân gây thoái hóa sụn khớp gối thường gặp cũng như cách phòng ngừa và điều trị bệnh hiệu quả. Bệnh thoái hóa sụn khớp gối càng để lâu càng nguy hiểm và có thể là nguồn cơn của nhiều căn bệnh khác như thoái hóa khớp gối, viêm khớp gối…Chính vì vậy bạn nên ý thức được tầm quan trọng của việc chữa trị bệnh sớm nhằm bảo tồn được tốt nhất chức năng hoạt động của sụn.
BẠN CẦN BIẾT
Ngày đăng: 15/12/2017 - Cập nhật lúc: 2:37 PM , 11/01/2018
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!