Khô khớp sau sinh và cách khắc phục
Khô khớp sau sinh là một hiện tượng thường gặp ở nhiều chị em phụ nữ, không chỉ gây ảnh hưởng đến cuộc sống của các mẹ mà còn ảnh hưởng đến việc nuôi dưỡng và chăm sóc bé yêu. Để bảo vệ sức khỏe bản thân và thực hiện thiên chức làm mẹ tốt hơn, các chị em cần khắc phục chứng khô khớp sau sinh ngay từ sớm.
Nguyên nhân gây khô khớp sau sinh là gì?
1- Tìm hiểu về chứng khô khớp sau sinh
Khô khớp là hiện tượng các khớp phát ra tiếng lạo xạo hay lục khục sau khi vận động. Đây là một biểu hiện của bệnh thoái hóa khớp do sụn khớp và xương dưới sụn bị tổn thương kèm theo tình trạng giảm tiết dịch bôi trơn và nuôi dưỡng sụn khớp.
Hiện tượng khô khớp thường gặp ở người cao tuổi (trên 60), những người trẻ tuổi thiếu vitamin và khoáng chất, người nghiện chất kích thích (bia, rượu, cà phê, thuốc lá…), người béo phì, người lao động nặng hoặc ở những người có sự thay đổi hormon, chẳng hạn như phụ nữ sau sinh bị thiếu hụt estrogen.
2- Nguyên nhân khiến phụ nữ bị khô khớp sau sinh
Khô khớp sau sinh ở các chị em phụ nữ không hiếm gặp. Ngay từ trong thời kỳ mang thai, sự phát triển của của bào thai khiến trọng lượng cơ thể người mẹ tăng lên, và vô tình tăng áp lực đè nén lên xương khớp. Hàm lượng canxi trong cơ thể mẹ phải san sẻ cho bé khiến hệ xương khớp của mẹ trở nên suy yếu dần và nếu không được cung cấp đầy đủ canxi có thể để lại nhiều biến chứng về sau.
Bên cạnh đó, không thể không nhắc đến những biến đổi về nội tiết tố trong cơ thể người mẹ sau khi trải qua quá trình mang thai và sinh con khiến cho các mẹ bầu có nguy cơ mắc các bệnh xương khớp cao hơn. Các dưỡng chất trong cơ thể mẹ đều tập trung để nuôi bé nên chưa được bổ sung kịp thời trong khi hàm lượng estrogen trong cơ thể mẹ lại bị sụt giảm nghiêm trọng sau sinh gây ảnh hưởng đến quá trình sản xuất dịch khớp và dẫn đến chứng khô khớp sau sinh.
Cách khắc phục chứng khô khớp sau sinh
Khô khớp sau sinh không chỉ gây ảnh hưởng đến cuộc sống của các mẹ mà còn ảnh hưởng đến việc nuôi dưỡng và chăm sóc bé yêu. Vì vậy, các chị em phụ nữ sau khi sinh con cần chú ý đến những biểu hiện bất thường của cơ thể để phát hiện và điều trị kịp thời, tránh để bệnh tiến triển kéo dài sẽ tạo điều kiện phát triển thành bệnh thoái hóa khớp sớm. Dưới đây là cách khắc phục chứng khô khớp sau sinh mà các mẹ nên biết:
1- Sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ
Biện pháp khắc phục chứng khô khớp phổ biến hiên nay là sử dụng các thuốc giúp phục hồi khớp bị tổn thương, tiêm axit hyaluronic nội khớp và bổ sung canxi, magiê, vitamin B, D, K…
Axit hyaluronic là một thành phần của dịch khớp có tác dụng bôi trơn, giảm ma sát và giảm sóc trong ổ khớp, giúp khớp hoạt động trơn tru. Việc sử dụng thuốc phải được bác sĩ hướng dẫn cụ thể. Trường hợp các chị em còn đang cho con bú thì bác sĩ sẽ có chỉ định phù hợp để tránh ảnh hưởng đến bé yêu.
2- Chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng
Các chị em bị khô khớp sau sinh cần quan tâm đúng mức đến chế độ ăn uống hàng ngày của mình. Các thực phẩm mà bạn bổ sung hàng ngày không chỉ cần cho riêng bạn mà còn cần cho con của bạn. Vì vậy, trong chế độ ăn, các chị em nên ăn các nhóm thực phẩm giàu dinh dưỡng sau đây:
– Thịt, cá, hải sản tươi sống giàu canxi và các chất béo có lợi giúp tái tạo hệ thống xương khớp, tăng sản xuất dịch bôi trơn khớp và tăng sức đề kháng cho cơ thể.
– Các loại sữa như sữa bò và các chế phẩm từ sữa bò, sữa đậu nành và cả sữa bột đều cần thiết cho các mẹ đang bị khô khớp, giúp bổ sung canxi và ngăn ngừa loãng xương, tăng lượng dịch bôi trơn khớp.
– Rau xanh và trái cây giàu vitamin A, B (B1, B2, B3, B6, B12), C, D, K như rau mồng tơi, đậu bắp, cải bó xôi, cà rốt, cà chua, đậu nành, đậu cô ve, cải thìa, cải bẹ xanh, cải bó xôi, rau đay, mướp, rau lang, đu đủ, bơ… giúp tăng cường hệ miễn dịch và hỗ trợ quá trình hấp thu canxi, giảm thiểu tình trạng khô dịch ở các khớp.
Đồng thời, các chị em cần chú ý uống nhiều nước (2 – 2,5 lít/ngày) và tránh dùng các thức uống chứa cồn, bia, rượu, thuốc lá, cà phê để bảo vệ khớp không bị thất thoát canxi và suy yếu sớm.
3- Sinh hoạt và vận động hợp lý
Các mẹ có thể làm chậm quá trình khô khớp bằng cách tập luyện, vận động phù hợp tình trạng sức khỏe và sinh hoạt lành mạnh. Cụ thể:
– Các mẹ nên làm việc nhẹ nhàng, chủ yếu là chăm sóc con nhỏ và nghỉ ngơi, không được làm việc quá sức, đảm bảo ngủ đủ giấc. Nếu có thể nên nhờ người thân hỗ trợ chăm sóc em bé để bà mẹ có thêm thời gian nghỉ ngơi, tránh căng thẳng, mệt mỏi khiến bệnh trở nặng hơn.
– Mẹ nên tránh các tư thế ngồi xổm, ngồi cong vẹo người (thêu, viết, may vá, cho con bú), cúi xuống nhấc vật nặng… để không gây ảnh hưởng đến cấu trúc xương khớp.
– Các mẹ nên dành ra khoảng 30 phút mỗi ngày để tập thể dục, đi bộ, tập yoga, ngồi thiền… để giúp xương khớp được thư giãn, lưu thông khí huyết, hỗ trợ sản xuất dịch khớp, tránh co cứng khớp. Đồng thời, vận động hợp lý cũng giúp giải tỏa căng thẳng cho các mẹ, hạn chế nguy cơ trầm cảm.
Khô khớp sau sinh không khó khắc phục nếu các mẹ thực hiện đúng phương pháp. Bằng cách xây dựng một chế độ dinh dưỡng và luyện tập phù hợp kết hợp dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ sẽ giúp bạn làm chậm quá trình khô khớp, ngăn ngừa viêm khớp hoặc thoái hóa khớp về sau.
BẠN CÓ THỂ ĐỌC THÊM CÁC BÀI VIẾT LIÊN QUAN:
Ngày đăng: 07/11/2017 - Cập nhật lúc: 8:16 AM , 07/12/2017
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!