Khô khớp ở người cao tuổi: Nguyên nhân và cách phòng tránh

Khô khớp ở người cao tuổi là một hiện tượng thường gặp không chỉ gây ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn mang đến nhiều bất tiện trong sinh hoạt hàng ngày. Vì vậy, các chuyên gia y tế khuyên người cao tuổi nên thực hiện các biện pháp phòng tránh khô khớp từ sớm để bảo vệ sức khỏe tốt nhất.

Nguyên nhân gây khô khớp ở người cao tuổi

Theo PGS.TS Nguyễn Mai Hồng (Trưởng khoa Cơ Xương Khớp – Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, khô khớp là hiện tượng giảm lượng dịch khớp và mòn sụn khớp cùng xương dưới sụn khiến các đầu xương tiếp xúc trực tiếp với nhau.

Khớp được bao bọc bởi lớp sụn khớp trơn nhẵn, giúp khớp thực hiện các động tác một cách linh hoạt. Lớp sụn này được tái tạo phân hủy và tái tạo liên tục giúp để đảm bảo ổ khớp hoạt động hiệu quả. Tuy nhiên, theo thời gian, quá trình lão hóa cơ thể diễn ra mạnh mẽ kéo theo sự lão hóa ở sụn khớp, quá trình tổng hợp và hủy hoại sụn khớp bị mất cân bằng, sụn khớp dần đáp ứng với việc phá hủy, chậm phục hồi nên ngày càng bị mỏng, khô xơ và nứt nẻ… lộ ra phần xương dưới sụn.

Bên cạnh đó, ngoài lớp sụn thì khớp còn bao gồm chất hoạt dịch thường được gọi là dịch khớp, có tác dụng nuôi dưỡng sụn khớp, và bôi trơn các đầu khớp xương, giúp ổ khớp vận động trơn tru. Khi tuổi càng cao thì dịch khớp tiết ra càng ít, khớp hoạt động kém trơn tru và có thể phát ra tiếng kêu khi vận động.

PGS.TS Nguyễn Mai Hồng cũng chia sẻ thêm, sự lão hóa là nguyên nhân chính dẫn đến chứng khô khớp ở người cao tuổi: “Tuổi càng cao thì sự lão hóa càng gia tăng, vì vậy mà ở một số người cao tuổi có thể xuất hiện hiện tượng bào mòn sụn khớp gây rách bao sụn, biến dạng tổ chức sụn khớp và gây hiện tượng khô khớp. Sự lão hóa sẽ kéo theo hàng loạt sự thay đổi các yếu tố quan trọng trong cơ thể như: độ nhớt của dịch khớp giảm, sự đàn hồi các dây chừng và sự khô ở sụn khớp”. Khô khớp dần dần có thể dẫn đến chứng thoái hóa khớp.

Ngoài nguyên nhân trên đây, các chấn thương ở xương khớp, một số bệnh lý ở khớp (viêm đa khớp, gout, viêm khớp vảy nến…), vận động khớp quá mức trong thời gian dài, thừa cân béo phì… cũng là yếu tố thúc đây hình thành bệnh khô khớp.

Cách phòng tránh khô khớp ở người cao tuổi

Khô khớp ở người cao tuổi không chỉ gây ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn mang đến nhiều bất tiện trong sinh hoạt hàng ngày. Bệnh nhân bị khô khớp thường xuyên bị đau nhức khớp khi vận động, khớp phát ra tiếng động lạo xạo hay lục khục khi di chuyển, hạn chế vận động, khó ngồi xổm hay lên xuống cầu thang…

Để phòng tránh khô khớp ở người cao tuổi, các chuyên gia y tế khuyên người già nên chú ý đến chế độ ăn uống và tập luyện, vận động đúng mức, phù hợp tình trạng sức khỏe giúp làm chậm quá trình khô khớp. Phương pháp cụ thể như sau:

1 – Chế độ ăn uống phù hợp

Người cao tuổi nên ăn các loại thực phẩm giúp bổ sung chất nhờn cho khớp, chẳng hạn như thực phẩm giàu axit béo omega-3 (cá hồi, cá thu, cá trích, các loại hạt, ngũ cốc nguyên, dầu olive, dầu đậu nành…) để ngăn ngừa các triệu chứng viêm đau xương khớp. Đồng thời, tránh dùng các thực phẩm giàu axit béo omega-6 để hạn chế kích thích các phản ứng viêm trong cơ thể.

Bên cạnh đó, người già cần bổ sung vitamin (A, B, C, D, E), khoáng chất (canix, magie, kali, sắt, kẽm…) và chất xơ từ các loại rau xanh và trái cây như ớt đỏ, cà chua, cà rốt, cải xoăn, rau bina, bắp cải, gạo lứt, khoai tây, khoai lang, cam, quýt, bưởi, dâu tây,…. Những thực phẩm này rất giàu chất chống oxy hóa nên có khả năng làm chậm quá trình thoái hóa khớp xương, giảm đau nhức khớp do thời tiết, giảm cholesterol trong máu để ngăn ngừa các bệnh lý về tim mạch và xương khớp.

Ngoài ra, người cao tuổi cũng nên ăn đủ các thức ăn giàu đạm như thịt, cá, trứng, sữa, tôm, cua, nghêu, sò, ốc, hàu, đậu nành, đậu đỗ… Bổ sung đầy đủ nhu cầu canxi hàng ngày cho xương khớp với 2-3 ly sữa mỗi ngày, giúp khớp khỏe mạnh và tăng khả năng chịu lực (Xem thêm: Người cao tuổi nên uống sữa gì tốt ?)

Với những người bị thừa cân, béo phì thì nên hạn chế sử dụng chất béo, nên chọn đạm thực vật thay cho đạm động vật. Giảm các thức ăn nhiều dầu mỡ, chiên xào mà nên chế biến theo kiểu luộc, hấp, kho…

Những người già mắc bệnh tim mạch hoặc bệnh tiểu đường, bệnh thận… thì nên hạn chế ăn quá mặn và quá ngọt, tránh dùng bia rượu và các chất kích thích. Tốt nhất nên tham khảo ý kiến của chuyên gia dinh dưỡng hoặc bác sĩ chuyên khoa để xây dựng một thực đơn phù hợp trong quá trình điều trị.

2 – Bổ sung dưỡng chất cho xương khớp

Muốn hạn chế nguy cơ khô khớp ở người cao tuổi, cần phải chăm sóc và nuôi dưỡng sụn khớp, bôi trơn ổ khớp, tăng cường sản xuất dịch khớp bằng cách bổ sung dầu cá, Glucosamine sulfate và Chondroitin sulfate. Các nghiên cứu của Viện Y tế Quốc gia Mỹ cho thấy,  bổ sung 1.500mg glucosamine và 1.200mg chondroitin mỗi ngày có thể giúp hạn chế các triệu chứng đau khớp, giảm chứng khô khớp và thoái hóa khớp.

Ngoài ra, người cao tuổi cũng cần bổ sung thêm vitamin D bằng cách sử dụng viên uống hoặc phơi nắng (trước 9h sáng và sau 4h chiều) để giúp tổng hợp canxi nuôi dưỡng xương khớp chắc khỏe, ngăn ngừa đau khớp.

3 – Vận động và luyện tập hợp lý

Vận động và luyện tập đúng mức và đúng cách, phù hợp với tình trạng sức khỏe được xem là liệu pháp chống khô khớp và phòng ngừa thoái hóa khớp mà người cao tuổi nên thực hiện.

  • Về lao động, vận động:

Người cao tuổi cần tránh lao động nặng, mang vác vật nặng; hạn chế sử dụng búa, khoan; hạn chế chạy, nhảy, tập cử tạ thường xuyên; tránh lên xuống cầu thang hay ngồi xổm. Chú ý kiểm tra sức khỏe thường xuyên để hạn chế ảnh hưởng quá mức đối với các khớp liên quan.

  • Về phương pháp tập luyện: 

Người cao tuổi không nên thực hiện những động tác quá mạnh có thể gây tổn thương các khớp. Các bài tập phù hợp cho người cao tuổi bao gồm:

– Tập dưỡng sinh và luyện thở: Kết hợp tập luyện vừa sức và hít thở sâu để tăng cường tuần hoàn, lưu thông khí huyết, cải thiện cơn đau.

– Đi bộ: Mỗi tuần 3 – 4  lần, mỗi lần từ 30 – 45 phút để  tăng cường sức sống ở các tế bào xương, duy trì khả năng vận động ở các khớp, tăng cường cơ bắp…

– Đạp xe, bơi lội: Giúp tăng cường sức bền của gân, cơ và khớp, duy trì chức năng của các khớp xương.

Với những người cao tuổi đang gặp các bệnh lý mãn tính như cao huyết áp, nhồi máu cơ tim, viêm tắc mạch máu, hen suyễn… thì nên chú ý giữ ấm cơ thể, không nên vận động quá sức hoặc tập thể dục dưới trời mưa lạnh, gió lùa mà nên tập trong nhà để tránh nguy cơ tai biến, tử vong.

Xây dựng một lối sống lành mạnh và khoa học là cách phòng ngừa bệnh tật hiệu quả nhất dành cho những người cao tuổi. Với những người đã bắt đầu xuất hiện các dấu hiệu khô khớp thì bệnh nhân nên đến các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị sớm, tránh để bệnh tiến triển nặng sẽ càng khó chữa hơn.

BẠN ĐỌC CÓ THỂ TÌM HIỂU THÊM:

Ngày đăng: 16/11/2017 - Cập nhật lúc: 9:10 AM , 30/11/2017

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Tư vấn
Bạn cần tư vấn?