Giải phẫu cột sống cổ, tìm hiểu các bệnh lý ở đây

Như chúng ta đã biết, việc giải phẫu cột sống cổ có thể giúp cho quá trình tìm hiểu bệnh cũng như điều trị bệnh cột sống tốt hơn. Hiện nay bệnh lý về cột sống cổ đang ngày một gia tăng, mỗi chúng ta cần phải nắm rõ được về những thông tin cần thiết về cột sống để hiểu rõ hơn về căn bệnh mà mình đang mắc phải.

Tìm hiểu giải phẫu sinh lý cột sống cổ

1. Xương cột sống

Cột sống cổ là những đốt sống xếp chồng lên nhau bắt đầu ngay dưới xương sọ, cong hình chữ C hướng ra sau. Có tất cả 7 đốt sống cổ được đánh dấu từ C1 đến C7 tạo thành một ống sống, một khoang bao quanh có chứa tủy sống đồng thời có lỗ mỏm ngang cho động mạch đốt sống đi qua.

Giải phẫu cột sống cổ trên cơ thể người

Cột sống cổ có 2 phần là cột sống cổ cao (C1 – C2) và cột sống cổ thấp (C3 – C7). Sau đây chúng ta sẽ cùng giải phẫu các đốt sống cổ để bạn nắm rõ cụ thể hơn:

– Đốt sống cổ cao

+ Đốt đội (C1): C1 có hình nhẵn, không có thân sống, gồm cung trước và cung sau. Cung trước chiếm 1/5 chu vi, mặt trước có ụ trước là nơi bám của cơ dài cổ và dây chằng dọc trước, mặt sau có vùng khớp với mỏm răng của đốt sống C2. Hai bên C1 có khối bên, mặt khớp với xương chẩm ở phái trên và mặt khớp dưới C2. Cung sau chiếm 2/5 chu vi C1, nối với C1 qua khối bên. Ở ngoài khối bên có mỏm ngang, giữa mỏm ngang có lỗ mỏm ngang, đây là nơi động mạch đốt sống đi qua. Phía trên mỏm ngang có rãnh cho động mạch đốt sống đi qua và nối với sọ, đây cũng là nơi đi ra của rễ thần kinh C1.

+ Đốt trục C2: Đốt sống này nằm dưới đốt đội C1 đóng vai trò là một trục xoay cho đốt C1 và phần đầu. Chiều rộng và chiều cao của đốt sống C2 bằng nhau, có mỏm răng nhô lên khớp với C1 phía trên. Mỏm này cao 1,5cm, hình tháp và bè ở phần dưới. Cấu trúc này tham gia giới hạn sự trượt của C1. Phía sau C2 có mỏm gai, tách đôi rõ rệt. ở hai bên có hai khối như C1 nhưng nhỏ và yếu hơn.

– Đốt sống cổ thấp

Các đốt sống cổ thấp từ C3 đến C7 trở xuống liên kết với nhau bởi 3 khớp:

+ Khớp đĩa đệm gian đốt: đĩa đệm gian đốt thường xuyên gánh chịu áp lực tải trọng lớn, với đoạn cổ dưới khoảng 5,6kg/cm2 ở tư thế bình thường, và có thể lên tới 40kg/cm2 nếu không có trương lực cơ. Khi áp lực trọng tải quá lớn hoặc cố định tư thế lâu dài thì dễ dẫn đến thoái hóa đĩa đệm và hình thành các gai xương ở các đĩa đệm cổ thấp.

+ Khớp sống – sống (khớp mấu lồi đốt sống, khớp nhỏ): chúng được tạo nên bởi các mấu sống trên và mấu sống dưới của hai thân đốt liên tiếp và được nhận biết trên phim chụp tư thế nghiêng. Khớp sống – sống có diện khớp thực thụ, có bao hoạt dịch, có chất synovial bôi trơn trong khớp.

+ Khớp bán nguyệt (còn gọi là: khớp mấu móc cột sống, khớp vô danh, khớp gian đốt sống, khớp bên trong thân đốt sống, khớp Luschka) chỉ duy nhất ở cột sống cổ mới có. Ở từng thân đốt sống có 2 mấu bán nguyệt ở góc trên ngoài, hợp với 2 góc dưới ngoài của thân đốt trên tạo nên 2 khớp bán nguyệt ở mỗi khe gian đốt. Khớp bán nguyệt có liên quan đến vận động của cổ, không có tổ chức sụn ở diện khớp, không có dịch khớp nên nó là khớp giả, rất yếu và dễ bị tổn thương và thoái hóa. Khi chụp phim X – quang thì mấu bán nguyệt có hình gai hoa hồng thẳng đứng. Khi khớp này bị thoái hóa dễ chèn ép các động mạch đốt sống thân nền.

2. Đĩa đệm

Giải phẫu cột sống cổ ở phần đĩa đệm

Giải phẫu đốt sống cổ thì không thể thiếu phần đĩa đệm. Đĩa đệm là phần nằm giữa hai thân đốt sống có vai trò đàn hồi. Chúng được cấu tạo bởi 3 thành phần là nhân nhầy bên trong, vòng sợi bên ngoài và mâm sụn. Chiều cao của mỗi đĩa đệm ở cột sống cổ khoảng 3mm.

3. Dây chằng

Ở cột sống cổ có tất cả 12 loại dây chằng như dây chằng trước, dây chằng sau, dây chằng vàng, dây chằng liên gai, dây chằng liên ngang, … Dây chằng là một tấm mô sợi nối xương và cấu trúc lại với nhau giúp ngăn những vận động quá giới hạn.

Cột sống cổ là bộ phận thường xuyên phải vận động nhiều nên không cẩn thận sẽ dễ dàng bị tổn thương và mắc bệnh như đau đầu; chóng mặt; thoái hóa đốt sống cổ (gai cột sống, chèn ép rễ thần kinh, ép tủy, chèn ép động mạch đốt sống và bệnh lý về hạch giao cảm); thoát vị đĩa đệm cổ; …

Trên đây là kiến thức về giải phẫu cột sống cổ mà chúng tôi muốn cung cấp đến người đọc. Hi vọng, những thông tin này sẽ thực sự hữu ích. Chúc bạn vui.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM:

Ngày đăng: 27/02/2018 - Cập nhật lúc: 7:21 AM , 14/03/2018

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Tư vấn
Bạn cần tư vấn?