Đau khớp đầu gối là biểu hiện của bệnh gì? Làm sao chữa trị?
Trong cuộc sống, bất cứ ai cũng không thể tránh khỏi hiện tượng bị đau khớp gối. Tình trạng này có thể diễn ra khi chúng ta đi lại, vận động đôi chân quá nhiều. Tuy nhiên trong một số trường hợp đau khớp đầu gối lại tiềm ẩn một mối nguy về bệnh tật cần được chữa trị sớm. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu xem đau khớp gối là biểu hiện của bệnh gì? và bị đau khớp đầu gối phải làm sao trong bài viết dưới đây.
Tình trạng đau đầu gối có thể khác nhau ở mỗi người. Mức độ nghiêm trọng của nó thường phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra vấn đề. Các cơn đau khớp gối đôi khi chỉ đơn thuần dừng lại tại đó hoặc đi kèm với một số biểu hiện khác như:
- Sưng và cứng
- Đỏ và nóng ấm ở đầu gối khi chạm tay
- Đầu gối bị yếu và không chịu được trọng lực
- Có tiếng ồn lạ phát ra từ khớp gối khi cử động
- Không thể giữ cho đầu gối thẳng
Đau khớp gối là biểu hiện của bệnh gì?
Hiện tượng đau khớp đầu gối là biểu hiện của một trong các bệnh lý dưới đây:
- Thoái hóa khớp gối:
Đây là nguyên nhân phổ biến nhất gây đau khớp gối. Thoái hóa khớp gối xảy ra phổ biến ở người trung niên và người cao tuổi. Nguyên nhân là do càng lớn tuổi thì mật độ sụn khớp càng giảm và nó cũng bị ăn mòn nên khớp gối dễ bị chấn thương và thoái hóa. Trong trường hợp này người bệnh sẽ thường xuyên bị đau nhức đầu gối kéo dài kèm theo tình trạng cứng khớp, thường gặp nhất vào buổi sáng hoặc những ngày trái gió trở trời.
>>> Bạn có thể tham khảo chi tiết: Triệu chứng thoái hóa khớp gối dễ nhận biết
- Bệnh viêm khớp đầu gối:
Người cao tuổi, đối tượng hay chơi thể thao, người bị thừa cân béo phì… là những đối tượng tấn công chủ yếu của bệnh viêm khớp đầu gối. Bệnh gây sưng và đau đầu gối trước tiên, cùng với đó khớp gối có thể bị tấy đỏ, chạm vào cũng thấy đau. Trường hợp bị viêm nặng, sụn khớp gối bị phá hủy hoàn toàn dẫn đến hiện tượng teo cơ, bại liệt.
- Viêm, đứt hoặc giãn dây chằng:
Các tổn thương ở dây chằng như viêm dây chằng, đứt dây chằng, giãn dây chằng quanh đầu gối cũng gây đau. Tùy thuộc vào bệnh lý mắc phải mà đầu gối có thể bị đau âm ỉ hoặc đau dữ dội. Những bệnh lý này thường gặp ở các vận động viên thể thao hay người lao động nặng nhọc.
- Bệnh gút:
Gút là bệnh lý xảy ra khi có sự rối loạn chuyển hóa purin khiến cho lượng axit uric trong máu tăng cao. Tình trạng này kéo dài dẫn đến sự lắng đọng của các tinh thể muối urat bám vào xung quanh khớp. Bệnh gút có thể xảy ra ở bất cứ khớp nào trong cơ thể, bao gồm cả khớp gối. Lúc này người bệnh sẽ thường xuyên gánh chịu những cơn đau nhức khớp dữ dội kéo dài cả tuần hoặc lâu hơn nếu không được điều trị. Trước đây bệnh gút được xem là căn bệnh của nhà giàu nhưng ngày nay khi mà chất lượng đời sống ngày càng gia tăng thì tỷ lệ mắc bệnh cũng trở nên đáng báo động. Chính vì thế chúng ta không nên chủ quan với căn bệnh này khi có biểu hiện bị đau khớp gối.
Ngoài ra, cũng không nên loại trừ khả năng chúng ta bị đau đầu gối do ảnh hưởng của bệnh viêm khớp dạng thấp, hội chứng dải chậu chày, rách sụn chêm, trật khớp hay gãy xương… Tình trạng đau khớp gối dù xuất phát từ nguyên nhân nào cũng cần được điều trị sớm để tránh làm cản trở đến khả năng đi lại, vận động của cơ thể.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Bệnh nhân bị đau khớp đầu gối có thể áp dụng một số mẹo nhỏ để tự chữa trị tại nhà. Nhưng nếu xuất hiện các triệu chứng dưới đây cần đến bệnh viện nhờ sự giúp đỡ của bác sĩ càng sớm càng tốt:
- Đầu gối không thể chịu đựng được trọng lượng của cơ thể và không đứng thẳng được
- Có hiện tượng sưng đầu gối và đau nhức dữ dội
- Không thể mở rộng hoàn toàn hoặc uốn cong đầu gối
- Có sự bất thường hoặc biến dạng rõ ràng ở chân hoặc đầu gối
- Bị sốt, có hiện tượng nóng đỏ và sưng đau đầu gối kéo dài
- Cảm giác như đầu gối bị chệch ra ngoài và không đứng vững
Đau khớp gối phải làm sao chữa trị?
Đau đầu gối làm thế nào cho mau khỏi là thắc mắc của rất nhiều bệnh nhân đang bị những cơn đau khớp gối hành hạ. Việc điều trị đau khớp gối thường được chỉ định tùy theo nguyên nhân gây đau hoặc đặc điểm của chấn thương.
Trong trường hợp bị đau khớp gối do bong gân hoặc do vận động nhiều quá thì chỉ cần nghỉ ngơi, hạn chế đi lại thì khớp gối sẽ dần được phục hồi.
Việc sử dụng thuốc là cần thiết đối với các trường hợp bị bệnh. Bệnh nhân được chỉ định thuốc giảm đau, thuốc kháng viêm, corticoid… để xoa dịu cơn đau và đẩy lùi tình trạng viêm nhiễm ở khớp gối cũng như các phần mềm xung quanh. Tuy nhiên trong hầu hết các trường hợp thì người bệnh cần phải nghỉ ngơi một thời gian để tránh tác động lên khớp gối khiến cho bệnh tình thêm nặng.
Ngoài ra, có thể kết hợp với một số cách khắc phục, giảm đau khớp gối tại nhà dưới đây:
Giảm đau khớp gối bằng chườm nóng hoặc chườm lạnh
Đây là cách giảm đau khớp gối cấp tốc rất hữu hiệu bạn nên áp dụng đầu tiên khi khớp gối kêu đau. Hãy bọc đá vào trong một cái túi chườm lên đầu gối hoặc dùng một chai nước nóng lăn đi lăn lại quanh đầu gối vài lần trong ngày. Cơn đau sẽ được xoa dịu tức thì.
Tránh va chạm mạnh
Khi khớp gối đang bị tổn thương thì nên chú ý đến việc bảo vệ đầu gối khi tham gia các hoạt động thể thao hay khi lao động, chạy xe ngoài đường. Tránh để khớp gối bị va chạm mạnh gây chấn thương nặng nề hơn.
Cách chữa đau đầu gối bằng tập luyện
Các bài tập nâng chân, duỗi thẳng có tác dụng tăng cường cơ bắp chân, giảm đau và cứng ở đầu gối. Bạn nên thường xuyên tập luyện hoặc nhờ sự giúp đỡ của bác sĩ vật lý trị liệu để được hướng dẫn những bài tập luyện thích hợp.
Điều chỉnh tư thế ngồi khi bị đau khớp gối
Tư thế ngồi không thoải mái sẽ khiến cho đầu gối dễ bị mỏi và đau. Chính vì vậy bạn cần xem xét lựa chọn lại chiếc ghế ngồi làm việc của mình và điều chỉnh chiều cao cho phù hợp. Điều này sẽ giúp đầu gối có không gian thoải mái để vận động hay đứng lên ngồi xuống. Tránh tư thế ngồi vắt chéo chân khi làm việc bởi nó gây ứ trệ khí huyết, ngăn không cho máu lưu thông tới đầu gối và phần chi dưới nên dễ mắc các bệnh lý ở đầu gối sau này.
Hạn chế ăn mặn
Muối là tác nhân gây tích nước trong cơ thể và làm sưng phù khớp gối dẫn đến đau nhức. Chính vì vậy trong chế độ ăn hàng ngày bạn không nên ăn quá mặn, ngay cả khi không bị đau khớp gối.
Người đau đầu gối cần giảm cân
Cân nặng vượt chuẩn quá mức cũng góp phần gây đau đầu gối. Chính vì vậy nếu đang dư thừa cân nặng bạn nên nhờ bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng tư vấn để có một chế độ ăn kiêng khoa học.
Có thể thấy tình trạng đau khớp gối xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau mà nếu tự chuẩn đoán tại nhà rất dễ sai lầm. Do vậy nếu bạn đau đầu gối kéo dài và đã áp dụng các biện pháp tại nhà không khỏi thì nên tìm đến các chuyên khoa xương khớp uy tín để được chữa trị.
CÓ THỂ BẠN CHƯA BIẾT
Ngày đăng: 12/01/2018 - Cập nhật lúc: 4:37 AM , 15/01/2018
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!