Dấu hiệu nhận biết bệnh lao xương
Lao xương là một thể bệnh lao mà vi khuẩn lao xuất phát từ tổn thương lao phổi hoặc lao hạch theo đường máu đến khu trú ở xương khớp. Bệnh lao xương thường chỉ khu trú ở một khớp, có thể là ở đốt sống, khớp háng, khớp gối, khớp khuỷu tay, khớp cổ chân hoặc khớp cổ tay… Tùy theo vị trí khớp bị tổn thương mà bệnh nhân có những biểu hiện khác nhau. Dưới đây là dấu hiệu nhận biết bệnh lao xương ở các khớp thường gặp mà bạn nên tìm hiểu.
Dấu hiệu nhận biết bệnh lao xương
Trong bệnh lý lao xương khớp, tất cả các xương và khớp đều có khả năng bị vi khuẩn lao tấn công. Tuy nhiên, những xương xốp hay những khớp lớn, chịu lực nhiều thường dễ bị lao xương hơn. Các đốt sống, khớp háng, khớp gối, khớp cổ tay, cổ chân,… là những vị trí khớp bị lao xương phổ biến nhất.
Bạn có thể tìm hiểu thêm bài viết Bệnh lao xương là gì ? Có chữa được không ? để hiểu rõ hơn về bệnh lao xương khớp.
1- Dấu hiệu nhận biết bệnh lao xương cột sống
Cột sống là vị trí tổn thương thường gặp nhất ở bệnh lao xương. Trong đó, phần đĩa đệm và thân đốt sống ở vùng cốt sống lưng chiếm tỉ lệ cao nhất (60 – 70%). Lao cột sống diễn biến theo 3 giai đoạn: khởi phát, toàn phát và giai đoạn cuối. Mỗi giai đoạn có các triệu chứng sau đây:
- Giai đoạn khởi phát
♦ Triệu chứng cơ năng:
Đau tại chỗ: Bệnh nhân bị đau ở vùng cột sống bị tổn thương theo kiểu cố định, với cường độ ít hoặc nhiều tùy theo trường hợp. Đau tăng khi hoạt động mạnh và giảm khi nghỉ ngơi giống với bệnh thoái hóa cột sống.
Đau kiểu rễ: Vùng cột sống bị tổn thương do lao kích thích vào các nhánh rễ thần kinh (một hoặc hai bên) và gya6 đau. Tổn thương ở đốt sống cổ, đau lan xuống cánh tay. Tổn thương ở vùng lưng, đau lan xuống dưới theo đường đi của dây thần kinh đùi, thần kinh tọa. Đau dai dẳng và có xu hướng tăng.
♦ Triệu chứng thực thể:
Vùng cột sống bị tổn thương có đoạn cứng đờ. Khối cơ hai bên co cứng. Thực hiện các động tác cúi – ngửa, nghiêng – quay không được linh hoạt.
♦ Triệu chứng toàn thân:
Sốt nhẹ hoặc sốt vừa vào chiều tối kéo dài.
Người mệt mỏi, ăn ngủ kém, sụt cân, ra mồ hôi trộm, da xanh tái..
- Giai đoạn toàn phát
♦ Triệu chứng cơ năng:
Đau cố định ở một vùng và liên tục, càng ngày càng tăng kèm theo đau lan kiểu rễ.
Vận động hạn chế.
♦ Triệu chứng thực thể:
Quan sát và sờ thấy đốt sống lồi ra phía sau. Nhiều trường hợp có thể thấy cột sống có biểu hiện vẹo sang 1 bên.
Có trường hợp bên ngoài thắt lưng phát triển khối u mềm không gây đau. Một thời gian khối u vỡ và giải phóng nước vàng cùng với chất bã đậu tạo thành vết loét gọi là “áp xe lạnh”.
Liệt mềm hai chi dưới từ từ, teo cơ.
Rối loạn cơ vòng gây tiểu không tự chủ.
♦ Triệu chứng toàn thân:
Sốt thường xuyên và liên tục, kéo dài, tăng về chiều tối.
Ăn ngủ kém, sụt cân, da tái xanh.
- Giai đoạn cuối
Nếu được điều trị đúng cách, các triệu chứng toàn thân sẽ giảm dần. Tổn thương cũng ngừng tiến triển và ổ áp xe lạnh có thể bị thu nhỏ lại. Vùng cột sống bị phá hủy sẽ được tái tạo và phục hồi dần, mặc dù di chứng gù và hạn chế vận động vẫn còn. Nếu không được điều trị, tổn thương lan rộng có thể khiến bệnh nhân tử vong do các biến chứng về thần kinh và nhiễm trùng.
2- Dấu hiệu nhận biết bệnh lao xương ở các khớp khác
Ngoài cột sống, vi khuẩn lao có thể tấn công các khớp khác như khớp háng, khớp gối, cổ chân, cổ tay, khuỷu tay, vai… với các biểu hiện như sau:
- Giai đoạn khởi phát:
♦ Dấu hiệu chung:
– Khớp bị sưng to, đau và hạn chế vận động.
– Xuất hiện biến dạng chi và teo cơ.
– Hẹp khe khớp và mất vôi từng vùng.
– Nổi hạch ở gốc chi.
– Sốt không rõ rệt, sụt cân, chán ăn.
♦ Dấu hiệu riêng từng khớp:
Khớp gối: U trắng ở đầu gối. tràn dịch khớp gối, dầy màng hoạt dịch…
Khớp háng: Nổi hạch bẹn, sưng đỏ và gây đau nhức. Đau lan xuống gối khiến người bệnh đi lại khập khiễng.
Tìm hiểu cách Chuẩn đoán bệnh lao khớp háng ở trẻ em để chăm sóc và bảo vệ sức khỏe con yêu của bạn.
- Giai đoạn toàn phát:
♦ Dấu hiệu chung:
– Tổn thương lao lan rộng, khớp bị phá hủy nhiều.
– Khớp sưng to, hạn chế vận động.
– Da nổi tĩnh mạch, sờ thấy nóng, dày bao khớp.
– Sốt thường xuyên và kéo dài.
– Người mệt mỏi, kém ăn, mất ngủ, gầy sụt, da dẻ xanh xao.
♦ Dấu hiệu riêng từng khớp:
Khớp háng: Đau, đi đứng hạn chế, teo cơ mông và đùi rõ rệt, hạch bẹn. Có ổ áp xe ờ vùng bên và mông, xuất hiện lỗ rò rỉ, tiết dịch.
Khớp gối: Sưng to, gây đau và nóng, hạn chế vận động. Da khớp có nổi tĩnh mạch, có lỗ rò, bao khớp dày, ổ khớp có nhiều dịch.
Khớp cổ chân: Sưng to ở bốn vị trí trước và sau của hai mắt cá, vận động hạn chế. Áp xe ở sau mắt cá ngoài.
- Giai đoạn cuối
Nếu được điều trị đúng phương pháp, các triệu chứng sẽ rút dần và khỏi, người bệnh sinh hoạt bình thường.
Nếu không được điều trị, tổn thương lao ngừng phát triển sau 2-3 năm nhưng vi khuẩn vẫn còn nằm trong khớp. Dính khớp, xơ hóa khớp hoặc biến chứng lao lan sang các vùng khác hay rò mủ kéo dài kèm theo có nhiễm khuẩn phụ.
Ngày đăng: 17/06/2017 - Cập nhật lúc: 3:39 AM , 17/06/2017
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!