Dấu hiệu bị gai mâm chày khớp gối là gì và cách điều trị tốt nhất
Nếu một ngày đầu gối của bạn bị đau kém theo tình trạng cứng khớp, đi lại khó khăn thì hãy coi chừng vì đây là những dấu hiệu điển hình của bệnh gai mâm chày khớp gối. Bệnh xảy ra khi có sự tích tụ canxi trên bề mặt mâm chày để bù đắp những tổn thương do quá trình lão hóa hoặc do tác động từ bên ngoài. Việc điều trị nội khoa bằng thuốc kết hợp với vật lý trị liệu vẫn là phương pháp điều trị chính yếu dành cho những người bị gai mâm chày đầu gối.
Gai mâm chày khớp gối là gì?
Mâm chày là phần xương xốp đầu trên xương chày được bao phủ bởi một lớp sụn phía trên và tạo nên sụn khớp của khớp gối. Trong cơ thể người, phần mâm chày giữ hai chức năng rất quan trọng là gánh chịu tải trọng của cơ thể dồn nén xuống mỗi khi chúng ta đi lại và cấu tạo nên khớp gối giúp chúng ta thực hiện trơn tru các hoạt động trong sinh hoạt hàng ngày như co gập gối khi ngồi, duỗi thẳng khớp gối khi đi lại. Như vậy khi bị gai mâm chày không chỉ có mâm chày bị tổn thương mà phần sụn cũng bị ảnh hưởng.
Bệnh gai mâm chày khớp gối chỉ tình trạng xuất hiện của các gai xương mọc lởm chởm phía trên bề mặt mâm chày. Khi lớp sụn bao bọc bên ngoài mâm chày bị ăn mòn và mâm chày bị tổn thương từ tác động bên ngoài, bề mặt trở nên xù xì, khớp gối phát ra tiếng lêu lạo xạo khi cử động. Lúc này cơ thể sẽ phản ứng bằng cách mang canxi đến để bù đắp, chữa lành các tổn thương. Thế nhưng một phần canxi không được chuyển hóa hết mà lắng đọng lại bên trên bề mặt mâm chày tạo thành các mấu xương nhỏ có thể được nhìn thấy trên phim chụp X-quang mà bác sĩ thường gọi là “gai”.
Dấu hiệu nhận biết bệnh gai mâm chày khớp gối
Bạn có thể bị gai mâm chày đầu gối nếu gặp phải một trong những triệu chứng dưới đây:
- Đau khớp gối: Khớp gối thường xuyên có cảm giác đau nhói, đặc biệt là khi vận động mạnh hoặc khi leo cầu thang thì cơn đau càng khủng khiếp hơn. Cơn đau có thể lan tỏa ra khu vực xung quanh sau khiến cho người bệnh đi lại khập khiễng, đứng không vững.
- Cứng khớp gối: Đôi lúc khớp gối của người bị bệnh có dấu hiệu cứng, khó thực hiện các cử động co duỗi. Triệu chứng này được bắt gặp nhiều nhất sau một thời gian dài không cử động, đặc biệt là vào buổi sáng khi thức dậy.
- Khớp gối phát ra tiếng kêu lục cục, lạo xạo khi di chuyển: Tiếng kêu này được tạo thành từ sự cọ sát giữa các gai xương mọc trên mâm chày.
- Sưng khớp gối: Các gai xương khi chọc vào phần mềm còn khiến cho khớp gối bị sưng to và có dấu hiệu chuyển thành viêm.
- Một số bệnh nhân còn bị sốt nhẹ
Cách điều trị bệnh gai mâm chày khớp gối tốt nhất
Việc điều trị bệnh gai mâm chày khớp gối chủ yếu là giảm đau và bổ sung các thành phần có lợi cho khớp gối. Trong các đợt đau cấp, bệnh nhân được chỉ định một số loại thuốc giảm đau như Diclofenac, Efferangan codein, Aspirin… Các thuốc kháng viêm không steroid cũng sẽ được sử dụng vừa giúp xoa dịu các cơn đau vừa giúp chống viêm nhiễm, giải quyết tình trạng sưng khớp đầu gối.
Vật lý trị liệu chữa gai mâm chày đầu gối
Ngoài ra bệnh nhân có thể kết hợp dùng thuốc với vật lý trị liệu để hỗ trợ điều trị bệnh, duy trì khả năng vận động của đầu gối. Một số phương pháp vật lý trị liệu như chiếu hồng ngoại, đắp paraphin, chiếu tia lazer hay các bài tập kéo giãn cơ…có tác dụng kích thích lưu thông máu đến nuôi dưỡng khớp gối . Qua đó góp phần cải thiện tình trạng đau và co cứng đầu gối do bệnh gai mâm chày khớp gối gây ra.
Trong trường hợp bị gai mâm chày đầu gối nặng, gai xương mọc dài và bệnh nhân có nguy cơ bị biến dạng khớp gối thì cần thiết phải phẫu thuật cắt bỏ gai. Tuy nhiên đây cũng chỉ là giải pháp tình thế tạm thời vì các gai xương hoàn toàn có thể mọc trở lại.
Để ngăn ngừa tình trạng tái phát bệnh gai mâm chày khớp gối bệnh nhân cần chú ý ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, tích cực rèn luyện thân thể bằng các bài tập vừa sức để nâng cao sức khỏe xương khớp nói chung và của khớp gối nói riêng.
BẠN CÓ THỂ THAM KHẢO THÊM
Ngày đăng: 13/03/2018 - Cập nhật lúc: 10:01 AM , 14/03/2018
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!