Cột sống bị vôi hóa nguyên nhân do đâu ?
Vôi hóa cột sống là gì? Cột sống bị vôi hóa nguyên nhân do đâu ? Tìm hiểu ngay các nguyên nhân gây vôi hóa cột sống để biết cách phòng tránh bệnh vôi hóa cột sống và có phương pháp điều trị thích hợp, hiệu quả, ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng đến khả năng vận động.
Vôi hóa cột sống là bệnh gì?
Như chúng ta đã biết, cột sống là một cấu trúc khung xương quan trọng có vai trò như trụ cột của cơ thể. Cột sống có cấu tạo gồm 33 đốt sống, chia thành nhiều đoạn dựa trên cơ sở cấu tạo giải phẫu và chức năng sinh lý gồm 7 đốt sống cổ, 12 đốt sống ngực, 5 đốt sống thắt lưng, 5 đốt sống cùng và từ 4 đốt sống cụt dính nhau. Cột sống không chỉ có nhiệm vụ nâng đỡ cơ thể mà còn bảo vệ tủy sống và các rễ thần kinh ở phía sau.
Khi xương hoặc sụn dần bị thoái hóa, canxi lắng tụ trên các dây chằng bám vào thân đốt sống, đĩa sụn hay các mấu gai, mấu ngang của cột sống khiến cột sống bị vôi hóa và hình thành các gai xương. Tình trạng này được gọi là vôi hóa cột sống hay gai cột sống, thường xảy ra cùng với quá trình lão hóa cơ thể.
Cột sống bị vôi hóa nguyên nhân do đâu ?
Vôi hóa cột sống thuộc nhóm bệnh lý thoái hóa cột sống. Cột sống bị vôi hóa là do sự lắng đọng canxi ở dây chằng và sự tu bổ của xương, cụ thể là:
Khi đĩa đệm cột sống bị hư tổn, các đĩa đệm, đĩa liên sống có hiện tượng lún xẹp khiến các dây chằng giữa các đốt sống bị chùng giãn quá mức. Lúc này, cơ thể phải tự khắc phục bằng cách tu bổ xương, tăng cường canxi để giúp dây chằng dày lên nhằm giữ vững cột sống. Lâu ngày, chất vôi/canxi lắng đọng trên dây chằng tạo thành các chồi xương, gai xương. Dây chằng trở nên giòn, cứng và phình to, giảm độ đàn hồi, có khả năng chèn ép vào các rễ thần kinh trong ống sống, trong lỗ liên hợp… gây ra những cơn đau ở cột sống cổ hay cột sống thắt lưng. Sự phát triển thêm ra của xương là sự tu bổ tự nhiên của cơ thể nhưng lại gây ảnh hưởng đến các dây thần kinh ở cột sống và gây đau.
Trong khi đó, nguyên nhân khiến dẫn đến tình trạng lắng đọng canxi và khiến xương tự tu bổ là do:
1- Cột sống bị vôi hóa do sự lão hóa cơ thể
Tuổi tác càng cao thì quá trình lão hóa càng diễn ra mạnh mẽ, cơ thể dần bị lão hóa và hệ xương khớp cũng không ngoại lệ. Theo năm tháng, cột sống sẽ dần bị thoái hóa, sụn khớp, đĩa đệm và dây chằng bị suy giảm chất lượng và giảm chức năng, dễ gặp các tổn thương như viêm hay thoái hóa. Tình trạng này kéo dài sẽ dẫn đến sự hình thành gai xương và gây vôi hóa cột sống.
2- Chấn thương xương khớp
Những chấn thương ở cột sống đều có thể để lại ít nhiều di chứng. Chấn thương càng nhiều, càng liên tục thì cơ thể càng phải tự tu bổ cột sống bằng cách bồi đắp canxi và dẫn đến sự hình thành các chồi xương. Thường gặp nhiều nhất ở những người bị tai nạn giao thông, người thường xuyên chơi thể thao, chế độ luyện tập thể dục thể thao không phù hợp dẫn đến chấn thương.
3-Sai tư thế lao động và sinh hoạt
Những người làm việc sai tư thế như ngồi một chỗ quá lâu, thường xuyên mang vác vật nặng, làm việc quá sức; hoặc sinh hoạt sai tư thế chẳng hạn như nằm ngủ nghiêng đầu, nghiêng cổ hay đi đứng gù, vẹo lưng, lười vận động… cũng khiến cột sống bị tê cứng do chèn ép, lâu ngày gây chấn thương cột sống và gây vôi hóa cột sống.
4- Thừa cân, béo phì
Người có trọng lượng cơ thể quá lớn, người bị thừa cân, béo phì thường có nguy cơ bị vôi hóa cột sống rất cao do cột sống luôn phải chịu đựng một áp lực lớn để chống đỡ cơ thể. Ngày qua ngày, cột sống càng bị chèn ép, cơ và dây chằng căng giãn quá mức dẫn đến suy yếu và dễ phát triển các gai xương chèn ép lên các rễ thần kinh xung quanh và gây đau.
5- Các nguyên nhân khác
Ngoài những nguyên nhân trên đây, một số yếu tố về di truyền, chế độ ăn uống không đảm bảo dinh dưỡng, điều kiện sống khó khăn, nếp sống kém lành mạnh, lười vận động… cũng là những nguyên nhân thúc đẩy sự hình thành bệnh gai cột sống/vôi hóa cột sống.
Vôi hóa cột sống là căn bệnh không quá nguy hiểm nhưng lại khó điều trị dứt điểm. Vì vậy, để ngăn chặn sự xuất hiện sớm bệnh vôi hóa cột sống, chúng ta cần chú ý đến chế độ ăn uống và sinh hoạt hợp lý. Thường xuyên luyện tập thể dục thể thao với cường độ thích hợp và tránh các chấn thương lên xương khớp để phòng bệnh vôi hóa cột sống.
Bạn có thể tham khảo thêm:
Ngày đăng: 12/12/2016 - Cập nhật lúc: 6:46 AM , 15/12/2017
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!