Các loại khớp háng nhân tạo phổ biến nhất
Thay khớp háng nhân tạo là một phẫu thuật quan trọng trong điều trị các tổn thương ở khớp háng. Trong đó, việc lựa chọn khớp háng phù hợp dựa trên rất nhiều tiêu chí như yếu tố tuổi tác, tính chất tổn thương, chất lượng xương,tình trạng sức khỏe… bao gồm cả khả năng tài chính của gia đình bệnh nhân. Mặc dù việc chỉ định loại khớp háng nào là do bác sĩ phẫu thuật quyết định nhưng tìm hiểu về các loại khớp háng nhân tạo phổ biến cũng giúp người bệnh và gia đình có sự chuẩn bị tốt và an tâm hơn.
Cấu trúc của khớp háng nhân tạo
Khớp háng là khớp lồi cầu với chỏm xương đùi chuyển động bên trong ổ cối của xương chậu. Vì vậy, khớp háng nhân tạo cũng có cấu tạo tương tự bao gồm 3 phần là:
- Phần chuôi: để gắn vào ống tủy xương đùi, thường được làm bằng hợp kim titan hoặc cobalt/crom. Bề mặt chuôi nhẵn với khớp có xi măng hoặc thô sáp nếu khớp không xi măng.
- Phần chỏm: thay thế chỏm xương đùi., được chế tạo từ cobalt/crom hoặc chất liệu gốm (oxid nhôm). Bề mặt chỏm được đánh bóng để làm giảm thiếu tố đa lực ma sát, hạn chế sự mài mòn khi chỏm chuyển động trong phần cúp.
- Phần Cup: thay thế ổ cối của xương chậu, được làm từ kim loại. Mặt trong Cup có lót hợp chất cao phân tử polyethylene hoặc gốm.
Mỗi phần của khớp háng nhân tạo được sản xuất với nhiều kích cỡ khác nhau, phù hợp với kích cỡ của bệnh nhân. Tổng trọng lương của khớp có thể nặng từ 400 – hơn 500 gr tùy thuộc vào kích cỡ từng loại khớp nhân tạo. Hầu hết, các vật liệu tham gia vào cấu trúc khớp háng nhân tạo có các đặc điểm sau:
- Tương thích sinh học với cơ thể, không gây bất kỳ phản ứng nào.
- Chống mài mòn và suy thoái, có độ bền cao.
- Chịu được những tác động của lực cơ học (trong quá trình hoạt động) tốt.
- Đáp ứng các tiêu chuẩn cao nhất về chất lượng, chi phí hợp lý.
Các loại khớp háng nhân tạo phổ biến nhất
Một số loại khớp háng nhân tạo phổ biến, được áp dụng nhiều trong phẫu thuật thay khớp háng nhân tạo hiện nay bao gồm:
1- Khớp háng toàn phần hoặc bán phần
- Khớp háng toàn phần:
Khớp háng nhân tạo toàn phần là loại khớp háng có cả phần chỏm xương đùi và phần ổ cối. Phần chỏm xương đùi và ổ cối bị hư hại sẽ được khoét bỏ và thay bằng khớp háng nhân tạo toàn phần.
- Khớp háng bán phần:
Khớp háng nhân tạo bán phần là khớp chỉ có phần chỏm kim loại. Phần chỏm này được gắn với chuôi và cắm cặt vào lòng tủy xương đùi, ổ cối vẫn được giữ nguyên. Được sử dụng phổ biến là khớp háng nhân tạo bán phần lưỡng cực vì nó cho phép bệnh nhân vận động linh hoạt, hạn chế sự cọ sát giữa chỏm và ổ cối, giảm đau cho người bệnh.
Bạn muốn biết: Phẫu thuật thay khớp háng nhân tạo giá bao nhiêu tiền ?
2- Khớp háng có xi măng hoặc không có xi măng
- Khớp háng nhân tạo có xi măng:
Là khớp nhân tạo được gắn cố định vào xương bằng xi măng, thường sử dụng là polymethylmethacrylate (PMMA). Sau khi thay khớp, bệnh nhân có thể vận động sớm, phục hồi nhanh. Tuổi thọ trung bình của khớp từ 10-15 năm. Tuy nhiên, khớp có xi măng có phần hạn chế là mòn khớp sớm, lỏng khớp…
- Khớp háng nhân tạo không có xi măng:
Đây là loại khớp được gắn trực tiếp vào xương mà không cần dùng đến xi măng. Khớp này có cấu trúc bề mặt thô ráp, với nhiều hốc nhỏ dể kích tạo sự mọc xương vào bề mặt khớp.Khớp này thường được sử dụng cho những người trẻ tuổi có nhu cầu đi lại nhiều vì nó có độ bào mòn thấp.
3- Khớp háng nhân tạo có chất liệu nhựa, gốm hay kim loại
Trong thời gian đầu, khớp háng nhân tạo thường có chỏm kim loại và hõm khớp nhựa nên khả năng chống mài mòn thấp, tuổi thọ cũng ngắn. Về sau, các chất liệu này được cải tiến liên tục nên khả năng chống mài mòn cũng được nâng cao. Việc sử dụng chất liệu gốm (ceramic) chống mài mòn cũng giúp tuổi thọ khớp háng nhân tạo tăng cao hơn. Tuy nhiên, người nhà cũng cần lưu ý chăm sóc bệnh nhân sau khi thay khớp háng để hạn chế các biến chứng.
4- Khớp háng với đường kính chỏm nhân tạo khác nhau
Ở những khớp háng nhân tạo toàn phần thế hệ đầu, đường kính của chỏm nhân tạo là 22,5 mm. Tuy nhiên, càng về sau, cùng với sự cải tiến về vật liệu thì đường kính của các chỏm nhân tạo cũng lớn hơn (phổ biến nhất là 28mm và 32mm). Việc sử dụng đường kính chỏm nhân tạo lớn sẽ giúp giảm thiểu nguy cơ trật khớp nhân tạo. Tuy vậy, đường kính của chỏm nhân tạo cũng phụ thuộc vào yếu tố giải phẫu, cụ thể là đường kính ổ cối của bệnh nhân nên sẽ được điều chỉnh phù hợp.
Có thể bạn quan tâm:
Ngày đăng: 08/06/2017 - Cập nhật lúc: 6:44 AM , 05/12/2017
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!