Bị thoái hóa khớp thái dương hàm điều trị như thế nào ?

Khi thấy các dấu hiệu thoái hóa khớp thái dương hàm như: đau nhức ở vùng khớp thái dương hàm, sưng một bên má hoặc mặt, há miệng hạn chế, khi nhai phát ra tiếng động lục cục… bạn cần đi khám ngay để được bác sĩ chẩn đoán và điều trị thoái hóa khớp thái dương hàm kịp thời.

Thoái hóa khớp thái dương hàm là tình trạng sụn khớp bị phá hủy, các phần mềm quanh khớp cũng bị tổn thương dẫn đến hủy hoại khớp thái dương hàm. Bệnh gây khó khăn trong việc ăn uống và giao tiếp, giảm khả năng lao động gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe và sinh hoạt của bệnh nhân.

Thoái hóa khớp thái dương hàm do nhiều nguyên nhân khác nhau, thường gặp nhất là do chấn thương, các bệnh lý xương khớp hay các thói quen không tốt như nghiến răng, cắn bút, nhai kẹo cao su… khiến xương hàm bị thoái hóa sớm.

Khi thấy các dấu hiệu thoái hóa khớp thái dương hàm như: đau nhức ở vùng khớp thái dương hàm, sưng một bên má hoặc mặt, đau răng, chóng mặt, đau nhức tai, há miệng hạn chế, khi nhai phát ra tiếng động lục cục… bạn cần đi khám ngay để được bác sĩ chẩn đoán và điều trị thoái hóa khớp thái dương hàm kịp thời.

Điều trị thoái hóa khớp thái dương hàm như thế nào ?

1- Khám và chẩn đoán bệnh thoái hóa khớp thái dương hàm 

  • Khám các dấu hiệu lâm sàng 

Bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám khớp, cơ nhai và các cơ liên quan ở vùng xương quai hàm, khám khớp cắn.

  • Khám cận lâm sàng

– Chụp phim (panoramic, cephalometry, cone beam CT)

– Chụp hình (trong miệng, ngoài mặt)

– Chụp MRI (nếu cần thiết)

– Chụp Xạ hình xương (nếu cần thiết)

2- Điều trị thoái hóa khớp thái dương hàm

Để điều trị bệnh thoái hóa khớp thái dương hàm, bác sĩ sẽ tiến hành điều trị triệu chứng, vừa phải xác định được nguyên nhân. Tùy thuộc vào nguyên nhân gây thoái hóa khớp thái dương hàm mà bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị cụ thể. Có 2 cách điều trị chính là điều trị thoái hóa khớp thái dương hàm không can thiệp thực thể và thực hiện các can thiệp trên bộ răng và hệ thống nhai.

  • Điều trị thoái hóa khớp thái dương hàm không can thiệp thực thể

– Điều trị nội khoa:

Mục đích của điều trị nội khoa là cải thiện các triệu chứng thoái hóa khớp thái dương hàm. Tùy thuộc vào triệu chưng của bệnh nhân mà bác sĩ chỉ định các thuốc sau đây:

+ Thuốc giảm đau: paracetamol, dicloffenac, mobic, ibuprofen, naproxen hoặc các thuốc giảm đau mạnh hơn nếu cần thiết.

+ Thuốc kháng viêm cortocoid: tiêm vào vùng thái dương hàm để giảm đau cơ, khắc phục các phản ứng viêm hiệu quả.

+ Thuốc giãn cơ: Dùng myonal trong vài ngày hoặc vài tuần.

+ Thuốc chống trầm cảm : Dùng nortriptyline hoặc amitriptylin trước khi đi ngủ để giảm đau.

Vật lý trị liệu:

Các liệu pháp vật lý như chườm ấm, xoa bóp cơ quai hàm, chiếu tia hồng ngoại lên khớp thái dương hàm có tác dụng tăng tuần hoàn vùng khớp, cải thiện triệu chứng đau.

Nắn khớp thái dương hàm:

Đây là thủ thuật đưa lồi cầu định vị trở lại trên đĩa khớp trong trường hợp bệnh nhân bị hạn chế há miệng lần đầu, trong thời gian không quá ba tuần.

Chú ý

Phương pháp điều trị thoái hóa khớp thái dương hàm không can thiệp thực thể được tiến hành trong những trường hợp thoái hóa khớp thái dương hàm nhẹ, mới phát bệnh, chưa xuất hiện biến chứng.

  • Điều trị bằng biện pháp can thiệp trên bộ răng và hệ thống nhai

Đeo máng nhai:

Máng nhai là một khí cụ thường dùng trong nha khoa, được làm bằng nhựa trong suốt và có thể tự tháo lắp được. 4 loại máng nhai được sử dụng phổ biến là:

+ Máng nhai thư giãn: Có tác dụng phục hồi tạm thời khớp cắn chức năng, qua đó tác động giãn cơ các cơ nhai nên nó vừa giúp điều trị triệu chứng, vừa giúp điều trị nguyên nhân (tạm thời).

+ Máng nhai phía trước: Có tác dụng thư giãn cơ, giúp chẩn đoán liên quan khớp cắn và khớp thái dương hàm.

+ Máng định vị hàm dưới ra trước: Có tác dụng định vị hàm dưới ra trước, sử dụng trong trường hợp có tình trạng dời đĩa ra trước.

+ Máng định vị lồi cầu: Có tác dụng định vị lồi cầu xuống dưới, hoặc ra trước, thực hiện cho từng bên hoặc cả hai.

⇒ Tùy theo nguyên nhân gây thoái hóa khớp thái dương hàm mà bác sĩ sẽ chỉ định loại máng nhai phù hợp.

Điều chỉnh khớp cắn:

Điều chỉnh khớp cắn theo phương pháp mài chỉnh hoặc tái tạo hướng dẫn răng nanh chỉ thực hiện sau khi bệnh nhân mang máng nhai từ 1,5 – 3 tháng. Phương pháp này giúp răng tiếp xúc đều và tốt, vận động hàm dưới trơn tru.

Tái tạo khớp cắn toàn bộ:

Phục hình răng được tiến hành khi rối loạn khớp cắn trầm trọng và điều chỉnh khớp cắn không cho hiệu quả mong muốn. Khớp cắn được tái tạo toàn bộ bằng phục hình răng, chỉnh nha hay phẫu thuật chỉnh nha.

Phẫu thuật khớp thái dương hàm:

+ Phẫu thuật nội soi khớp đơn giản: Tiến hành khi không đáp ứng các biện pháp điều trị bảo tồn không can thiệp thực thể

+ Phẫu thuật nội soi khớp phức tạp: Thực hiện khi không đáp ứng với nội soi khớp đơn giản

+ Phẫu thuật thay khớp: Đây là giải pháp cuối cùng trong điều trị thoái hóa khớp thái dương hàm khi các phương pháp phẫu thuật trên đều thất bại.

Chú ý:

Điều trị bằng biện pháp can thiệp khớp cắn gồm đeo máng nhai, điều chỉnh khớp cắn, tái tạo khớp cắn toàn bộ là phương pháp bắt buộc trước khi phẫu thuật khớp thái dương hàm. Chỉ khi các phương pháp can thiệp khớp cắn không hiệu quả mới phẫu thuật khớp thái dương hàm.

Sau khi phẫu thuật khớp, bệnh nhân cần tập vận động hàm dưới hoặc các bài tập phục hồi chức năng để duy trì chức năng của khớp thái dương hàm.

Để phòng bệnh thoái hóa khớp thái dương hàm tái phát, bệnh nhân nên sử dụng các thức ăn mềm và nhuyễn, tránh thức ăn dai cứng; hạn chế nhai kẹo cao su; bỏ thói quen cắn móng tay, mút tay, cắn bút viết; chăm sóc và giữ vệ sinh răng hàm; sinh hoạt lành mạnh, rèn luyện thể chất hàng ngày để tăng cường sức khỏe xương khớp và thư giãn thần kinh.

BẠN CÓ THỂ TÌM HIỂU THÊM:

Ngày đăng: 22/11/2017 - Cập nhật lúc: 9:09 AM , 30/11/2017

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Tư vấn
Bạn cần tư vấn?