Bị tê đầu ngón tay là bệnh gì ? Nên đi khám ở đâu ?
THẮC MẮC:
Chào bác sĩ,
Cho tôi hỏi triệu chứng bị tê đầu ngón tay là bệnh gì ạ? Tôi thường bị tê đầu ngón tay ở bàn tay phải. Cơn đau kiểu như bị điện giật, đau nhói. Nhất là những lúc lái xe, làm việc, cầm đũa ăn cơm… Nhiều khi đau và tê vào ban đêm khiến tôi không ngủ được, rất mệt mỏi. Tình trạng của tôi như vậy có nguy hiểm gì không? Tôi ở Hà Nội thì tôi nên đi khám ở đâu là tốt nhất? Rất mong nhận được lời khuyên, lời giải đáp từ bác sĩ. Xin chân thành cảm ơn.
(Huy Hoàng, 37t, Hà Nội)
GIẢI ĐÁP:
Chào anh Huy Hoàng,
Cảm ơn anh đã tin tưởng và chia sẻ thắc mắc của mình với chuyên mục thoaihoakhop.net nhé!
Câu hỏi của anh về triệu chứng “bị tê đầu ngón tay là bệnh gì?” và “nên đi khám ở đâu ?”, chúng tôi xin được giải đáp như sau:
Tê đầu ngón tay là một triệu chứng khá thường gặp ở nhiều người, đặc biệt là những người lao động sử dụng bàn tay thường xuyên, nhân viên văn phòng, người nội trợ… Hiện tượng này do nhiều nguyên nhân gây ra có liên quan đến hệ thần kinh, mạch máu, xương khớp. Tùy theo nguyên nhân gây bệnh mà cảm giác tê đầu ngón tay có thể nặng hoặc nhẹ, xuất hiện thỉnh thoảng hay thường xuyên. Dù như thế nào thì nó cũng đều gây khó khăn trong lao động và sinh hoạt khiến nhiều người khó chịu và phát sinh tâm lý hoang mang.
Vậy, bị tê đầu ngón tay là bệnh gì?
Nếu bạn thường xuyên cảm thấy tê đầu ngón tay thì rất có thể bạn đang gặp phải một trong số các bệnh lý dưới đây:
1- Hội chứng ống cổ tay
Hội chứng ống cổ tay còn được gọi là hội chứng chèn ép thần kinh giữa hay hội chứng đường hầm cổ tay. Đây là tình trạng đau và tê bì nhiều ngón tay, bàn tay hoặc có thể lan rộng lên cẳng tay, cánh tay. Nguyên nhân dẫn đến hội chứng này là do dây thần kinh giữa bị chèn ép ở cổ tay. Dây thần kinh giữa chạy từ cẳng tay xuống bàn tay ngang qua ống cổ tay, có khả năng chi phối cảm giác của ngón cái và 3 ngón tiếp theo. Nếu dây thần kinh giữa bị kích thích sẽ gây đau và tê ngón tay.
Bị tê đầu ngón tay do hội chứng ống cổ tay
Hội chứng ống cổ tay thường gặp ở nhân viên văn phòng, người thường xuyên sử dụng máy vi tính, tài xế, người nội trợ… nói chung là những người thực hiện động tác gấp duỗi cổ tay hoặc nâng cánh tay làm tăng áp lực trong ống cổ tay. Nếu không được điều trị sớm dễ gây ảnh hưởng đến khả năng vận động của bàn tay.
Bạn cần cảnh giác:
Đau nhức khớp cổ tay lâu ngày không khỏi có thể là dấu hiệu thoái hóa
2- Viêm dây thần kinh ngoại biên
Viêm dây thần kinh ngoại biên thường khiến các ngón tay bị đau nhức và tê bì, khó vận động, cảm giác có thể xuất hiện ở cả hai tay. Có hai nguyên nhân chính dẫn đến căn bệnh này là do ảnh hưởng của độc tố trong cơ thể và do quá trình trao đổi chất có vấn đề. Biểu hiện của bệnh cũng tương ứng với nguyên nhân. Cụ thể, nếu viêm dây thần kinh do độc tố, ngoài cảm giác tê ở ngón tay, bệnh nhân còn bị đau nhức ngón tay; viêm dây thần kinh do sự trao đổi chất bị cản trở thì bệnh nhân không chỉ bị tê bì ngón tay mà còn khó cử động ngón tay.
viêm dây thần kinh ngoại biên thường diễn biến chậm nhưng phục hồi khó khăn. Vì vậy, người bệnh nên nhanh chóng đi khám để xác định nguyên nhân cụ thể và điều trị phù hợp, hiệu quả.
3- Bệnh lý ở đốt sống cổ
Tổn thương ở đốt sống cổ có thể gây ảnh hưởng đến sự vận động ở cánh tay, bàn tay, ngón tay, bao gồm tình trạng tê đầu ngón tay. Các bệnh lý thường gặp ở vùng này là thoái hóa đốt sống cổ, viêm đốt sống cổ, phồng đĩa đệm, thoái hóa đĩa đệm, thoát vị đĩa đệm,… Chúng gây chèn ép các dây thần kinh ngoại biên xung quanh cổ gáy và kéo theo triệu chứng tê đầu ngón tay, bàn tay.
Bạn có thể nhận biết sớm bệnh thoái hóa cột sống qua bài viết:
Bị tê đầu ngón tay do bệnh lý đốt sống cổ
Người trung niên và cao tuổi là đối tượng dễ mắc những bệnh ở đốt sống cổ nhất. Tuy nhiên, hiện nay, lối sống và thói quen sinh hoạt khiến tỉ lệ người trẻ gặp phải các bệnh lý ở đốt sống tăng đáng kể. Đặc biệt là những người thường xuyên sử dụng máy vi tính, smart phone, ipad nhưng ít vận động, di chuyển.
4- Thiếu máu não cục bộ
Bị tê đầu ngón tay cũng có thể là do thiếu máu não cục bộ, thường gặp ở người cao tuổi. Thiếu máu não cục bộ khởi phát đột ngột, tiến triển trong thời gian ngắn kèm theo các triệu chứng khác như đau đầu, choáng váng xây xẩm mặt mày, mệt mỏi toàn thân, tê bì ngón tay. Nếu bệnh nhân cảm thấy 1 bên cơ thể bị tê bì thì nguyên nhân này càng rõ ràng hơn. Ngoài ra, cũng cần đề phòng thiếu máu lên não do thoái hóa đốt sống cổ.
Cần cảnh giác với chứng thiếu máu não cục bộ và nên đi kiểm tra để phát hiện sớm những nguy cơ gây hại cho hệ thống mạch mãu não.
Bị tê bì đầu ngón tay nên đi khám ở đâu ?
Tê đầu ngón tay là triệu chứng của nhiều bệnh lý nguy hiểm, người bệnh không nên xem thường mà cần nhanh chóng đi khám để phát hiện nguyên nhân cụ thể và chữa trị kịp thời. Tại Hà Nội, anh Hoàng có thể đến khám tại các cơ sở y tế sau đây:
Bị tê bì đầu ngón tay nên đi khám ở đâu ?
1. Bệnh Viện Trung Ương Quân Đội 108
- Địa chỉ: Số 1 Trần Hưng Đạo – Hai Bà Trưng – Hà Nội
- Điện thoại: 024 6278 4146 – 6957 2400 – 6955 5283
Khám tại: Khoa Nội – Thận – Khớp hoặc Khoa Nội thần kinh
2. Bệnh viện Bạch Mai
- Địa chỉ: Số 78 Giải Phóng – Phương Mai – Đống Đa – Hà Nội
- Điện thoại: 024 3869 3731 – 3576 3520
Khám tại: Khoa Cơ Xương Khớp hoặc Khoa Thần Kinh
3. Phòng khám số 1 – Bệnh viện Đại học Y Hà Nội
- Địa chỉ: Số 1 Tôn Thất Tùng – Hà Nội
- Điện thoại: 0243 5747 788
Khám tại: Chuyên khoa thần kinh hoặc xương khớp của Phòng khám số 1.
Chúc anh điều trị khỏi bệnh nhanh chóng!
Ngày đăng: 22/09/2017 - Cập nhật lúc: 10:44 AM , 07/12/2017
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!