Bệnh tràn dịch khớp gối và cách điều trị tốt nhất hiện nay
Tràn dịch khớp gối được đánh giá là căn bệnh khá nguy hiểm bởi nó có thể gây nguy cơ tàn phế cao nếu bệnh nhân không điều trị sớm. Chính vì vậy bạn không nên chủ quan khi nhận thấy các dấu hiệu của bệnh như sưng và đau ở khớp gối, đi lại khó khăn. Cần phải nắm rõ bệnh tràn dịch khớp gối là gì, uống thuốc nào khi mắc bệnh và các phương pháp điều trị. Đặc biệt là khi những triệu chứng trên xảy ra khi bạn mới bị té ngã, tai nạn hay có tiền sử mắc các bệnh lý xương khớp mãn tính ở khớp gối.
Những thông tin về bệnh tràn dịch khớp gối và cách điều trị bệnh tốt nhất hiện nay được đề cập dưới đây sẽ giúp bạn có cái nhìn tổng quan về căn bệnh này.
Bệnh tràn dịch khớp gối
1. Tràn dịch khớp gối là gì?
Tràn dịch khớp gối là hiện tượng gia tăng lượng dịch trong khớp gối nhiều hơn mức bình thường làm suy giảm chức năng hoạt động của khớp, khiến người bệnh bị đau nhức và có nguy cơ bị nhiễm khuẩn cùng nhiều biến chứng nguy hiểm khác.
2. Các nguyên nhân gây tràn dịch khớp gối
Hiện nay có 5 yếu tố được xác định là thủ phạm chính gây nên bệnh tràn dịch khớp gối. Chúng bao gồm:
– Các yếu tố vật lý: Chỉ tình trạng tràn dịch khớp gối do gặp chấn thương. Khu vực đầu gối của chúng ta có thể bị tổn thương do chơi thể thao quá sức, tai nạn xe cộ, lao động nặng nhọc gây nên hiện tượng gãy xương bánh chè, đứt hoặc rách dây chằng chéo trước, nứt sụn khớp…Từ đó khiến cho dịch khớp gối tăng lên và bị tràn ra ngoài.
– Bệnh tật: Dịch khớp gối bị tràn ra ngoài còn được xem là biến chứng của một số bệnh lý mãn tính kéo dài. Điển hình nhất là các căn bệnh thoái hóa khớp gối, bệnh gout, viêm đa khớp dạng thấp…
– Nhiễm khuẩn: Việc nhiễm các loại vi khuẩn như vi khuẩn lao, Mycoplasma…hoặc nhiễm vi rút, vi nấm cũng là nguyên nhân dẫn đến bệnh tràn dịch khớp gối.
– Di truyền: Một số ít trường hợp bị tràn dịch khớp gối do thừa hưởng gen bệnh từ những người thân trong gia đình từng có tiền sử mắc căn bệnh này.
– Thừa cân, béo phì: Khi đầu gối phải chịu áp lực quá lớn từ trọng lượng của cơ thể thì chúng ta không những bị tràn dịch khớp gối mà còn có nguy cơ mắc nhiều bệnh lý nguy hiểm ở đầu gối.
3. Dấu hiệu nhận biết bệnh tràn dịch khớp gối
Căn bệnh này có thể nhanh chóng được nhận biết thông qua những dấu hiệu như:
- Khớp gối bị bệnh có biểu hiện sưng to hơn hẳn so với đầu gối bên kia
- Đau đầu gối: Trường hợp bị tràn dịch nặng thì cơn đau có thể lan dần ra khu vực xung quanh
- Do lượng dịch trong khớp quá nhiều khiến cho mọi hoạt động của khớp gối bị cản trở. Khả năng vận động của khớp không còn được linh hoạt như trước
- Bệnh nhân có thể bị sốt nếu bị tràn dịch khớp gối do nhiễm khuẩn
- Trên phim chụp X-quang đầu gối, hiện tượng tràn dịch khớp gối còn đi kém với một số tổn thương như gãy xương, rách dây chằng, chệch khớp…
4. Biến chứng của tràn dịch khớp gối
Bệnh tràn dịch khớp gối không chỉ gây sưng đau và hạn chế khả năng vận động của khớp mà còn khiến cho khớp gối bị hủy hoại, biến dạng nếu không được điều trị kịp thời. Lúc này bệnh nhân không còn đi lại và thực hiện được các cử động ở khớp gối như bình thường, mọi sinh hoạt cũng như công việc hàng ngày đều trở nên khó khăn. Việc giới hạn các hoạt động ở chân bị bệnh sẽ khiến cho hệ thống gân cơ quanh đầu gối dần teo lại dẫn đến bại liệt hoàn toàn.
Các phương pháp chữa tràn dịch khớp gối hiện nay
Để chẩn đoán bệnh, bên cạnh những chia sẻ của bệnh nhân về các triệu chứng đang gặp phải thì bác sĩ có thể thông qua các xét nghiệm như chụp X-quang, làm xét nghiệm máu để xác định được mức độ bệnh tật và tìm ra được chính xác nguyên nhân gây tràn dịch khớp gối ở người bệnh. Từ đó có kế hoạch điều trị phù hợp cho từng đối tượng. Các biện pháp chữa bệnh được lựa chọn bao gồm dùng thuốc chọc hút dịch khớp gối, nội soi sửa chữa các tổn thương ở đầu gối hoặc phẫu thuật…
♦ Tràn dịch khớp gối nên uống thuốc gì?
Việc điều trị nội khoa bằng thuốc thường được áp dụng cho những bệnh nhân bị nhẹ, lượng dịch khớp chưa có dấu hiệu tiết ra nhiều. Dưới đây là các loại thuốc bác sĩ thường kê:
- Thuốc giảm đau: Gồm có Tylenol và Ibuprofen, Paracetamol… Các loại thuốc này sẽ giúp xoa dịu các cơn đau nhanh chóng.
- Thuốc Corticoid: Được chỉ định với mục đích kháng viêm và hỗ trợ giảm đau
- Thuốc kháng sinh: Dùng cho bệnh nhân có dấu hiệu bị viêm khớp, khớp bị nhiễm trùng
♦ Chọc hút dịch khớp gối
Chọc hút dịch khớp gối là một trong những phương pháp điều trị bệnh được áp dụng cho hầu hết các trường hợp. song song với quá trình chọc hút dịch, bác sĩ sẽ kết hợp tiêm corticoid vào trong ổ khớp gối giúp bệnh nhân giảm đau và cải thiện tình trạng viêm khớp do tràn dịch gây ra.
Tuy nhiên việc thực hiện chọc hút dịch quá nhiều lần có thể gây ra nhiều tác dụng phụ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Thêm vào đó nếu được thực hiện bởi bác sĩ không có chuyên môn hoặc hút dịch khớp tại những nơi không đảm bảo điều kiện vệ sinh thì người bệnh rất dễ bị nhiễm trùng khớp. Tốt nhất bệnh nhân nên lựa chọn những cơ sở y tế uy tín để thực hiện thủ thuật này.
♦ Phẫu thuật điều trị tràn dịch khớp gối
– Phẫu thuật nội soi:
Trong trường hợp bệnh nhân được phát hiện bị tràn dịch khớp gối do các chấn thương ở đầu gối thì sẽ được tư vấn phẫu thuật nội soi để điều trị bệnh. Trong quá trình phẫu thuật bác sĩ sẽ giúp bệnh nhân sửa chữa các tổn thương ở lớp sụn, dây chằng hoặc tổn thương do bệnh viêm khớp, thoái hóa khớp gây ra.
Đây được đánh giá là phương pháp điều trị tràn dịch khớp gối an toàn, bệnh nhân ít gặp biến chứng, không bị mất máu nhiều và thời gian bình phục cũng nhanh hơn.
– Phẫu thuật thay khớp gối:
Phương án phẫu thuật thay khớp gối nhân tạo sẽ được thực hiện cho những bệnh nhân bị tràn dịch khớp gối nặng, người bị bệnh lâu ngày có nguy cơ bị phá hủy khớp.
Sau phẫu thuật điều trị tràn dịch khớp gối bệnh nhân cần được nghỉ ngơi nhiều, có chế độ dinh dưỡng hợp lý và kết hợp vật lý trị liệu, luyện tập các bài tập thích hợp theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa để sớm khôi phục khả năng đi lại bình thường.
BẠN CÓ THỂ THAM KHẢO THÊM
Ngày đăng: 14/03/2018 - Cập nhật lúc: 10:22 AM , 14/03/2018
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!