Bệnh thoái hóa khớp là gì ?
Bệnh thoái hóa khớp là tình trạng tổn thương và mất sụn khớp kèm theo phản ứng viêm và giảm sút chất dịch khớp. Bệnh thoái hóa khớp càng diễn tiến mạnh mẽ thì sụn khớp càng có khả năng vỡ và bong ra khỏi đầu xương, khiến các xương càng bị cọ sát vào nhau, dây chằng càng bị chùng giãn và suy yếu làm giảm chức năng vận động khớp.
Rất nhiều người đã nghe nói đến bệnh thoái hóa khớp nhưng lại không biết chính xác bệnh thoái hóa khớp là gì ? Vì sao lại mắc bệnh thoái hóa khớp ? Những thông tin sau đây có thể sẽ giúp quý độc giả hình dung rõ hơn về căn bệnh phổ biến này và những khớp dễ bị thoái hóa nhất.
Bệnh thoái hóa khớp là gì ?
Bệnh thoái hóa khớp là một bệnh lý xương khớp mạn tính thường gặp có tên tiếng Anh là Osteoarthritis hay Degenerative arthritis. Thoái hóa khớp được coi là tình trạng tổn thương và mất sụn khớp kèm theo phản ứng viêm và giảm sút chất dịch khớp.
Sụn khớp là các cấu trúc mô đàn hồi che phủ bề mặt của đầu xương, có vai trò như một miếng đệm bảo vệ đầu xương để giúp chúng khỏi ma sát vào nhau khi tiếp xúc. Theo thời gian, lớp sụn khớp sẽ dần bị bào mòn và thoái hóa, trở nên mỏng và sần sùi, mất khả năng bảo vệ giữa các xương. Thương tổn ăn mòn các mô dưới sụn sẽ dẫn dến tình trạng khuyết xương và vôi hóa. Khi vận động khớp, đầu xương sẽ bị cọ xát và mài mòn lẫn nhau, kéo theo những cơn đau nhức kinh khủng hoặc gây tê bì.
Bệnh thoái hóa khớp càng diễn tiến mạnh mẽ thì sụn khớp càng có khả năng vỡ và bong ra khỏi đầu xương, khiến các xương càng bị cọ sát vào nhau, dây chằng càng bị chùng giãn và suy yếu làm giảm chức năng vận động khớp. Thông thường, bệnh thoái hóa khớp thường xảy ra ở những người tuổi trung niên trở lên cùng với quá trình thoái hóa tự nhiên.
Bệnh thoái hóa khớp thường xảy ra ở các khớp nào?
Có thể nói, tất cả các khớp trên cơ thể đều có khả năng bị thoái hóa rất cao. Tình trạng thoái hóa có thể xuất hiện phổ biến ở các khớp như sau:
1/Bệnh thoái hóa khớp đầu gối
Khớp đầu gối là vị trí khớp dễ bị thoái hóa nhất do phải chống đỡ trọng lượng của cơ thể và thực hiện các động tác đi, đứng, chạy, nhảy, xoay,…
Dấu hiệu dễ nhận biết ở thoái hóa khớp gối là những cơn đau ở phía trước và hai bên đầu gối. Khi ngồi xổm rồi đứng dậy rất khó khăn, khớp gối bị suy yếu không chịu được sức nặng, chân tê hoặc khớp gối bị biến dạng.
2/Bệnh thoái hóa khớp háng
Sau thoái khớp gối thì khớp háng có nguy cơ bị thoái hóa rất cao vì khớp háng cũng là một khớp phải vận động rất nhiều. Tình trạng thoái hóa khớp có thể xảy ra ở 1 hoặc hai bên khớp tùy theo tính chất và mức độ tổn thương khớp.
Đau sâu bên trong ở phía trước háng hoặc đau đau ở cạnh trước đùi, sau mông lan dọc xuống đầu gối là những biểu hiện của bệnh thoái hóa khớp háng mà người bệnh không nên coi thường.
3/Bệnh thoái hóa cột sống cổ và thắt lưng
Cột sống là một bộ phận quan trọng trong hệ xương khớp và có vai trò như một trụ cột của cơ thể. Trong đó, cột sống cổ và thắt lưng rất dễ bị thoái hóa và kéo theo nhiều biến chứng nguy hiểm.
Bệnh thoái hóa cột sống cổ khiến người bệnh thường xuyên bị đau mỏi phía sau gáy và lan sang cánh tay có dây thần kinh bị ảnh hưởng. Trong khi đó, thoái hóa cột sống thắt lưng khiến bệnh nhân đau nhiều khi vừa thức dậy và kéo dài khoảng 1/2 giờ. Sau đó, cơn đau âm ỉ và dai dẳng cả ngày hoặc tăng mạnh khi người bệnh hoạt động nặng. Nhiều trường hợp thoái hóa cột sống lưng ảnh hưởng đến dây thần kinh tọa gây đau lan tỏa từ thắt lưng xuống đùi và chân.
4/Bệnh thoái hóa khớp bàn tay, ngón tay
Thoái hóa khớp bàn tay, ngón tay cũng là một dạng thoái hóa khớp thường gặp, gây ảnh hưởng không nhỏ đến sự vận động khớp tay.
Bệnh nhân bị thoái hóa khớp bàn tay, ngón tay thường bị sưng đau ở vùng gốc ngón cái và các khớp ngón tay, nhất là khi bệnh mới khởi phát. Sau đó, xuất hiện các nốt cứng tại các khớp này khiến ngón tay có chiều hướng biến dạng.
5/Thoái hóa khớp bàn chân, gót chân
Bàn chân và gót chân là 2 vị trí rất dễ bị bệnh thoái hóa khớp mà chúng ta không nên xem thường.
Người bị thoái hóa khớp bàn chân có biểu hiện cong vẹo và cứng khớp ở ngón cái, gây đau nhức và khó khăn khi đi lại. Trong khi đó, thoái hóa khớp ở gót chân lại gây thốn gót vào các buổi sáng sớm, khi bệnh nhân thức dậy và bước chân xuống giường đi được vài bước.
Thoái hóa khớp là căn bệnh xương khớp mạn tính khó có thể tránh khỏi nhưng có thể phòng ngừa và trì hoãn quá trình thoái hóa nếu chúng ta biết cách chăm sóc và sức khỏe tốt ngay từ bây giờ. Hãy xây dựng cho mình chế độ ăn uống phù hợp và lối sống lành mạnh, vui khỏe để ngăn chặn căn bệnh thoái hóa khớp một cách tốt nhất.
Ngày đăng: 29/11/2016 - Cập nhật lúc: 8:48 AM , 05/12/2017
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!