Bệnh lao xương có lây không ?
Cho tôi hỏi bệnh lao xương có lây không? Bố tôi năm nay 68 tuổi, sau một thời gian bị đau cột sống và sốt nhẹ, người mệt mỏi, gia đình tôi lo bố bị thoái hóa cột sống nên đã đưa bố đi khám. Nhưng bác sĩ chẩn đoán bố tôi bị lao xương. Tuy nhiên, vì vợ chồng anh trai tôi ở xa nên không thể chăm sóc bố. Tôi đang tính đưa bố sang để tiện chăm sóc và điều trị vì nhà tôi gần bệnh viện hơn. Nhưng vì tôi vẫn đang nuôi con nhỏ nên rất lo lắng không biết bệnh này có lây nhiễm không? Xin chuyên mục giải đáp giúp tôi. Tôi cảm ơn.
(Nguyễn Thị Liên, Phú Yên)
GIẢI ĐÁP:
Chị Liên thân mến, cảm ơn chị đã tin tưởng chia sẻ thắc mắc của mình với chuyên mục thoaihoakhop.net nhé!
Lao xương khớp là căn bệnh viêm khớp do vi khuẩn lao, cụ thể là do trực khuẩn Mycobacterium tuberculosis tấn công trên cơ thể người. Trong đó, lao xương khớp là tình trạng nhiễm khuẩn ở xương khớp do trực khuẩn này gây ra. Lao xương khớp được coi là bệnh lao thứ phát, thường xuất hiện sau bệnh lao sơ nhiễm từ 2-3 năm sau khi vi khuẩn lao theo đường máu hoặc bạch huyết đến khu trú tại một bộ phận nào đó trong hệ thống xương khớp.
Cụ thể, sau khi vi khuẩn lao xâm nhập vào cơ thể sẽ diễn tiến qua 2 giai đoạn là lao nhiễm và lao bệnh. Ban đầu, cơ thể sẽ huy động đại thực bào, bạch cầu đa nhân trung tính và lympho đến tiêu diệt các vi khuẩn lao. Nếu vi khuẩn lao bị tiêu diệt thì quá trình nhiễm lao kết thúc, các tổn thương sẽ xơ hóa, vôi hóa; phần lớn vi khuẩn lao sẽ bị tiêu diệt, một phần nhỏ ở trong trạng thái không chuyển hóa và có thể gây bệnh lao nội sinh về sau. Nếu hệ miễn dịch không thể tiêu diệt được các vi khuẩn lao, chúng sẽ phát triển càng mạnh mẽ và xâm nhập vào đường bạch huyết, hạch bạch huyết và kéo theo sự xuất hiện của các triệu chứng sơ nhiễm lao. Nếu phát hiện chậm, không điều trị kịp thời, vi khuẩn lao xâm nhập vào đường máu và gây tổn thương nhiều cơ quan như màng não, hạch, xương khớp… Bệnh lao xương khớp có thể xuất hiện đơn độc nhưng cũng có thể kèm theo lao ở phổi hay tại một số cơ quan khác.
THAM KHẢO:
Bệnh lao xương có lây không ?
Phần lớn, vi khuẩn lao được lây truyền trong không khí do người bệnh hay ho khạc, hắt hơi, nói chuyện… Nếu người khỏe mạnh hít phải các bệnh phẩm, vi khuẩn lao trong không khí cũng có thể bị nhiễm bệnh. Đặc biệt là với những người có kèm theo lao phổi là dễ lây truyền bệnh nhất. Ngoài ra, bệnh còn có thể lây truyền qua vết cắt, vết xước ngoài da và ở niêm mạc mắt họng. Người mẹ mắc bệnh cũng sẽ truyền trực khuẩn lao Mycobacterium tuberculosis cho thai nhi qua tĩnh mạch rốn.
Tất cả các thể bệnh lao đều có khả năng lây nhiễm bệnh rất cao nhất là khi có hiện tượng phát tán vi khuẩn ra ngoài không khí, khi tiếp xúc gần gũi. Nếu bố chị được chẩn đoán là bị lao xương thì cần phải hết sức chú ý, hỏi kỹ ngoài lao xương thì còn bị lao ở cơ quan nào khác hay không (nhất là lao phổi). Chị cần nhắc nhở người bệnh sử dụng khẩu trang hoặc che miệng bằng khăn giấy mỗi khi ho hoặc hắt hơi, cười nói. Đồng thời tuân thủ đúng theo chỉ định sử dụng thuốc của bác sĩ điều trị. Tốt nhất, chị nên cách ly bé với người bệnh, không nên cho bé tiếp xúc với bệnh nhân trong giai đoạn đang điều trị bệnh để tránh lây nhiễm.
Chúc gia đình chị luôn khỏe mạnh!
Ngày đăng: 21/06/2017 - Cập nhật lúc: 5:02 AM , 05/12/2017
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!