Báo động nguy cơ thoái hóa đốt sống cổ ở người trẻ tuổi

Không chỉ xuất hiện ở người già mà thoái hóa đốt sống cổ ở người trẻ tuổi ngày càng trở nên đáng báo động. Ngồi làm việc sai tư thế, cúi gập cổ, vị trí đặt tay trên bàn làm việc quá cao hoặc quá thấp, ngủ gục trên bàn hoặc ghế, ít vận động… là những yếu tố thúc đẩy bệnh thoái hóa đốt sống cổ ở người trẻ.

Thoái hóa đốt sống cổ ở người trẻ tuổi

Chúng ta thường nghe đến các bệnh lý thoái hóa ở người già như thoái hóa khớp, thoái hóa cột sống… Tuy nhiên, hiện nay, tỉ lệ người trẻ tuổi mắc bệnh thoái hóa ngày càng có chiều hướng tăng cao. Nhiều thống kê y tế cho thấy, ở nhiều bệnh viện, bệnh nhân bị thoái hóa đốt sống cổ có độ tuổi từ 25-35 tuổi chiếm tỉ lệ lớn.

Theo bác sỹ Nguyễn Anh Nam (BV Thống Nhất, TP.HCM), thoái hóa đốt sống cổ là căn bệnh thường xuất hiện ở độ tuổi 40-50 trở lên. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khiến bệnh thoái hóa đốt sống cổ ngày càng trẻ hóa. Trong đó, tính chất công việc đóng vai trò lớn trong việc thúc đẩy căn bệnh này ở người trẻ. Có thể thấy, ở những người làm công việc văn phòng, do làm việc với máy tính, giấy tờ, sổ sách cả ngày nên họ thường xuyên phải cúi đầu, nhìn liên tục 1 hướng, tư thế làm việc gò bó, vị trí đặt tay trên bàn làm việc quá cao hoặc quá thấp, ngủ gục trên bàn hoặc ghế, ít vận động… Tình trạng này kéo dài ngày qua ngày khiến bệnh thoái hóa đốt sống cổ diễn ra âm thầm và khó phát hiện.

GỢI Ý: Tìm hiểu thêm về Nguy cơ thoái hóa khớp ở người trẻ tuổi

Trường hợp của anh Nguyễn Đăng Hải (31 tuổi, TP.HCM), anh làm nhân viên thiết kế cho một công ty hơn 6 năm. Tuy nhiên, khoảng vài tháng trở lại đây anh thường xuyên bị đau nhức ở vùng cổ gáy. Mặc dù trước đó ngồi làm cả ngày anh cũng thấy mỏi nhưng triệu chứng này không dai dẳng như bây giờ mà nhanh chóng qua đi sau vài giờ nghỉ ngơi. Cơn đau kéo dài lan sang vùng vai khiến anh khó vận động cánh tay để làm việc nên anh đã đi khám. Sau khi thực hiện các thủ tục kiểm tra cụ thể, bác sĩ cho biết anh bị thoái hóa đốt sống cổ giai đoạn đầu và khuyên nên điều trị sớm.

Không chỉ người lớn mà trẻ em cũng có nguy cơ mắc bệnh thoái hóa đốt sống cổ sớm. Tư thế ngồi học không phù hợp làm sai lệch cấu trúc đốt sống cổ, cúi cổ chơi các thiết bị công nghệ, điện thoại thông minh liên tục trong nhiều giờ liền là nguyên nhân phổ biến gây ra các bệnh xương khớp ở trẻ (bao gồm thoái hóa cột sống ở trẻ em). Em Trần Bảo Vinh (12 tuổi, Hà Nội) mặc dù chỉ vừa mới lên cấp II nhưng cũng đã có những biểu hiện thoái hóa đốt sống cổ do em hay dùng điện thoại smartphone để chơi game. Em thường xuyên than đau mỏi ở cổ nhưng gia đình không chú ý, cứ tưởng do em học nhiều nên mệt. Chỉ đến khi có đợt kiểm tra sức khỏe ở trường thì cha mẹ mới biết con mình có nguy cơ mắc bệnh thoái hóa đốt sống cổ rất cao.

Phòng ngừa bệnh thoái hóa đốt sống cổ ở người trẻ 

Các chuyên gia cũng cảnh báo, ngoài các cơn đau và cứng cổ, khó cử động cổ, bệnh thoái hóa đốt sống cổ có thể kéo theo nhiều biến chứng nguy hiểm khác. Chẳng hạn, đau lan lên đầu, tê vai và tay, mất cảm giác nhón tay, yếu chi, đại tiểu tiện không tự chủ hoặc thậm chí gây bại liệt. Vì vậy, để không mắc phải căn bệnh thoái hóa đốt sống cổ, người trẻ cần chú ý các biện pháp phòng ngừa sau đây:

  • Bổ sung dinh dưỡng đầy đủ trong các bữa ăn hàng ngày, đặc biệt là canxi và vitamin D. Những người bị béo phì, dư cân cũng nên điều chỉnh lại khẩu phần ăn để kiểm soát cân nặng phù hợp, tránh tình trạng cân nặng quá lớn gây áp lực lên cột sống.
  • Trong công việc, đặc biệt là với những người làm công việc văn phòng, cần điều chỉnh tư thế ngồi làm việc hợp lý. Không nên cúi gập đầu, đứng hoặc ngồi quá lâu một chỗ, nên vận động sau 1-2 giờ bằng các động tác thể dục tại chỗ để thư giãn cơ thể. Những người lao động tay chân tránh mang vác quá sức, nhất là không mang vật nặng trên cổ để tránh làm tổn thương cột sống cổ.
  • Trong sinh hoạt hàng ngày, hạn chế ngồi cúi gập cổ quá lâu khi xem tivi, đọc sách báo. Không bẻ vặn cổ đột ngột khi thấy đau mỏi. Xem tivi nên tựa lưng vào ghế dựa có lót đệm phía sau. Khi ngủ không nằm gối cao quá 10cm.
  • Thường xuyên luyện tập thể dục, thể thao để rèn luyện cơ thể, nâng cao độ chắc khỏe của hệ cơ xương khớp.

Ngày đăng: 31/05/2017 - Cập nhật lúc: 10:46 AM , 07/12/2017

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Tư vấn
Bạn cần tư vấn?